Đường bộ cao tốc Bắc – Nam: Tháng 4/2020 dự kiến GPMB 70% khối lượng

17:41' - 02/08/2019
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải đang phấn đấu vào tháng 4/2020 phải giải phóng mặt bằng được từ 60-70% khối lượng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thi công đồng bộ.
Bộ Giao thông Vận tải đang phấn đấu vào tháng 4/2020 phải giải phóng mặt bằng được từ 60-70% khối lượng. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, tính đến nay, tất cả 8 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, đã có 75 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp dự tuyển; trong đó có 15 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam, số còn lại của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nước ngoài và liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

“Mỗi dự án thành phần sẽ chọn 5 nhà đầu tư tính theo điểm chấm thầu từ cao xuống thấp. Dự kiến, tháng 4/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chọn xong nhà đầu tư cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, vì vậy Bộ Giao thông Vận tải đang phấn đấu đến thời điểm đó phải giải phóng mặt bằng được từ 60-70% khối lượng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thi công đồng bộ. Với 30% còn lại là các diện tích đất ở, có thể giải phóng chậm hơn do khâu tái định cư mất nhiều thời gian”, Thứ trưởng Nhật cho hay.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định, song song với việc chấm thầu chọn nhà đầu tư thì việc đẩy mạnh giải phóng mặt bằng cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Bởi giải phóng mặt bằng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thành dự án đúng tiến độ và tiết kiệm được nguồn lực khi tránh được các rủi ro về giá nguyên vật liệu tăng…

Ngoài ra, nếu giải phóng mặt bằng không đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thu hút nhà đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho 13 tỉnh, thành phố có dự án đi qua cũng như chuyển 7.000 tỷ đồng để chi trả giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải đã lập nhiều đoàn công tác về các địa phương để thúc việc giải phóng mặt bằng.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc giải phóng mặt bằng sẽ xuất hiện nhiều khó khăn, do đó các địa phương cần khẩn trương hoàn thành kiểm đếm giá trị đền bù; trong đó cần lưu ý việc xây dựng các khu tái định cư, nêu phương án chuyển hạ tầng kỹ thuật trên tuyến như đường điện, cáp quang…

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) phát biểu trong ngày khai mạc lễ sơ tuyển nhà đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức PPP. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Về hiện tượng đã xuất hiện tình trạng gian lận trong giải phóng mặt bằng tại dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, để ngăn chặn tình trạng này ngoài việc yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ thực địa sẽ yêu cầu sử dụng flycam chụp lại hiện trạng đất dự án làm căn cứ phát hiện việc người dân có hành vi xây “chui” công trình để hưởng tiền đền bù.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đã chuẩn bị đầy đủ cơ chế pháp lý cho việc giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng nhiêu khê khiến dự án chậm tiến độ.

Cũng liên quan đến dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 1/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, về tiêu chí để sơ tuyển và đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng hợp trình, báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội sau đó đã xác định những đoạn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 với chiều dài 654 km với  8 dự án được phân chia.

“Để phân chia các dự án này, trong quá trình xem xét phân chia dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các tiêu chí, đánh giá  kỹ lưỡng. Đối với dự án phải xác định xây dựng và sẽ thu phí theo hướng đối tác công tư. Như vậy cần phải xem xét đến tính hiệu quả của dự án, phải có kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu hoặc vòng kết nối với Quốc lộ 1…”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, tùy điều kiện địa hình và hệ thống đường đã có cũng như trung tâm kinh tế, chính trị dọc các tuyến để xác định các điểm đầu, điểm cuối của các dự án này.

Với những tiêu chí vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định các dự án có thể để bảo đảm vừa hiệu quả cũng như bảo đảm tính kết nối, thu phí hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Về vấn đề sơ tuyển đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng có nhiều tiêu chí thầu quá cao khiến nhà đầu tư nội khó tham gia, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, theo quy định của pháp luật, với tổng mức đầu tư bao nhiêu thì quy định mức vốn của chủ sở hữu phải là bao nhiêu trong trường hợp đối tác công tư tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã được ban hành.

Ở đây trong trường hợp cụ thể là áp dụng mức 20% của tổng mức đầu tư đối với vốn, là điều kiện để tham gia.

Vấn đề này đã được xem xét trong quá trình thông qua của Quốc hội và thực hiện dự án thầu. Đặc biệt quan trọng hơn là phù hợp với quy định trong Nghị định về lựa chọn nhà thầu.

Tiêu chí được xác định trong phân đoạn của các dự án bảo đảm tính khả thi trong việc thu hút đầu tư, thu hồi vốn; xác định trên mức của dự án và xác định quyền mức tỷ lệ của vốn điều lệ tham gia, còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và từ vốn huy động khác.

“Liên quan đến đấu thầu của dự án này, trước hết áp dụng theo hình thức đối tác công- tư (PPP) theo Luật Đấu thầu là phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu có quy định trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì các cấp thẩm quyền sẽ phê duyệt. Chúng ta đang trong giai đoạn sơ tuyển, đánh giá sơ tuyển theo hình thức đấu thầu, trước khi chính thức lựa chọn nhà thầu”, Thứ trưởng Đông nói.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp thẩm quyền liên quan đến vấn đề đấu thầu để bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của các cấp thẩm quyền, đặc biệt theo Nghị quyết 52 của Quốc hội (Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội  về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông).

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2018 - 2021 được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Trong đó, ba dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục