Đường sắt nỗ lực "hút" khách

17:17' - 21/07/2017
BNEWS Ngành đường sắt vẫn đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các lĩnh vực vận tải khác.
Nội thất hiện đại bên trong đoàn tàu vừa được đóng mới đã được VNR đưa vào khai thác tuyến Sài Gòn - Nha Trang ngày 15/7 vừa qua. Ảnh: VNR

Sau hơn hai năm sản lượng vận tải đường sắt liên tục sụt giảm thì lần đầu tiên vận tải đường sắt ngăn được đà giảm sút và bắt đầu tăng trưởng. Tuy nhiên ngành đường sắt vẫn đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các lĩnh vực vận tải khác.

* Nhiều giải pháp hút khách

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Những tháng gần đây, lượng khách đi đường sắt đã có sự tăng dần và kết thúc tháng 6 đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, điều này đã mang lại tín hiệu tích cực.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách đều tăng trưởng, dù tỷ lệ tăng chưa cao. Cụ thể, vận tải của đường sắt trong 6 tháng đạt hơn 3.719 triệu TKm (tấn Km), bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 108,4%.

Là một trong hai doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trụ cột của ngành đường sắt, ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội chia sẻ, vận tải hành khách và hàng hóa được cải thiện là nhờ một số tuyến trước đó sụt giảm mạnh nhưng đã có phục hồi; trong đó lĩnh vực vận tải hành khách phải kể tới tuyến Hà Nội - Vinh.

Đối với vận tải hàng hóa, một số luồng vận tải như xi măng tăng 191% so với cùng kỳ, vận chuyển liên vận quốc tế cũng tăng cao và mỗi tuần tăng thêm 1 đôi tàu chạy. Tuy nhiên một số mặt hàng như: Apatit, phân bón, nông sản… gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên sản lượng vận chuyển không đạt kế hoạch đề ra.

Còn theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn, mặc dù mảng vận tải hàng hóa của doanh nghiệp chưa đạt được kết quả tốt nhưng lĩnh vực hành khách thời gian qua tăng trưởng khá với mức hơn 10% so với năm 2016. Đặc biệt, doanh thu tăng rất cao, nhất là trong tháng 6 vừa qua tăng hơn 50%.

“Để đạt được kết quả trên, chúng tôi phải áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt; trong đó ưu tiên tăng cường tàu chạy các chặng ngắn như: Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Nha Trang. Cụ thể, tháng 5 vừa qua, công ty đưa vào khai thác tuyến mới Nha Trang - Huế và đã đạt 70% hệ số khai thác. Đặc biệt, lần đầu tiên đường sắt xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, khuyến mãi, giảm giá vé tập thể, công ty du lịch, kết hợp nâng chất lượng vệ sinh toa xe, tương tác với khách hàng nhiều hơn. Chính điều này đã hút lượng khách lớn quay trở lại với đường sắt”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc VNR cho rằng, yếu tố quan trọng nhất giúp vận tải đường sắt thu hút hành khách quay lại đi tàu và các bạn hàng quay lại với đường sắt thời gian qua chính là việc sắp xếp lại quản trị để giảm giá cước, giá vé.

Cụ thể, theo báo cáo của VNR, giá cước hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm đã giảm 12,8-15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vé hành khách còn giảm cao hơn, tới mức 15-29% tùy theo mác tàu, cự ly và thời điểm chạy tàu. Hành khách mua vé sớm với hành trình hơn 1.000km còn được giảm tới 20-50%. Cùng với giảm vé, đường sắt còn mở thêm nhiều dịch vụ tiện ích để phục vụ hành khách tốt hơn như đón tại nhà, giao nhận hàng tại nhà...

“Tổng công ty đã chủ động giảm 15% giá chi phí điều hành vận tải, công ty thành viên giảm 15% nữa để giảm giá cước với khách hàng truyền thống có khối lượng vận chuyển lớn, ổn định và luồng hàng mới”, ông Đoàn Duy Hoạch cho hay.

* Tăng chất lượng dịch vụ

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, Tổng cổng ty đang quyết tâm đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng chất lượng dịch vụ vận tải, thái độ phục vụ của từng bộ phận, cá nhân. Đồng thời, sẽ thí điểm đưa các đoàn tàu mới vào khai thác, cung cấp suất ăn như suất ăn hàng không trên tàu khách tuyến trọng điểm Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội – Vinh.

Cũng theo ông Vũ Anh Minh, mặc dù vận tải đường sắt tăng trở lại sau thời gian dài sụt giảm là tín hiệu tích cực. Đây là kết quả của một loạt các giải pháp mà Tổng công ty đã thực hiện thời gian qua.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, nếu không tiếp tục có sự đổi mới, thay đổi sẽ rất khó giữ nhịp và giữ chân khách hàng. Bởi, cả chất lượng và giá thành vận tải của đường sắt dù đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Hơn nữa, việc cạnh tranh với các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, hàng không và đường thủy vẫn rất khốc liệt.

Chia sẻ về giải pháp giữa chân khách hàng, hút khách đi tàu, Phó tổng giám đốc Đoàn Duy Hoạch cho biết, Tổng công ty đã chủ động giảm chi phí điều hành, quản trị nội bộ để giảm giá cước, giá vé.

Vì vậy, tới đây các đơn vị vận tải phải nỗ lực hơn nhằm tìm kiếm nguồn hàng, chủ hàng và ứng xử theo thị trường, nhất là vận tải 2 đầu door to door “từ kho đến kho” và đảm bảo tiêu chí đúng giờ; tiếp tục triển khai chính sách giá vé linh hoạt, cạnh tranh với lĩnh vực khác.

Ngoài ra, Tổng công ty sẽ quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản trị hàng hóa, điều hành vận tải để giảm giá cước và nâng chất lượng dịch vụ vận tải. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang trình Bộ Giao thông Vận tải phương án hợp tác với doanh nghiệp có tiềm lực vận tải mạnh để tăng sức cạnh tranh trong vận tải hàng hóa.

Để vực lại ngành đường sắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện Tổng công ty Đường sắt đang thực hiện một loạt giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài.

Cụ thể, trước mắt đã và đang điều chỉnh điều độ chạy tàu phù hợp bằng cách cắt giảm các tuyến tàu Bắc-Nam vì lượng hành khách có nhu cầu đi chặng dài thấp và không cạnh tranh nổi hàng không, cùng đó tập trung nâng cao chạy tàu theo từng chặng hợp lý...

“Bên cạnh đó, VNR đã ký kết với các đầu mối như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để vận tải hàng hóa đường dài. Nhờ những giải pháp đó, ngành đường sắt đã chặn được đà sụt giảm... Còn về lâu dài, ngành đường sắt vẫn phải củng cố và tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng đường sắt. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, ứng dụng công nghệ vào quản lý...”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Ông Vũ Anh Minh thông tin, sắp tới VNR sẽ ký với các cảng biển hợp tác về vận tải hàng hóa, đồng thời đầu tư hai ga Sóng Thần (Bình Dương) và Yên Viên (Hà Nội) để tạo thành điểm xếp dỡ container... Bên cạnh đó, đàm phán với các nước để thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế. Nếu các thỏa thuận hợp tác này triển khai thuận lợi sẽ phát huy được lợi thế của vận tải đường sắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục