Đường sắt tốc hành Trung Quốc-châu Âu ngày một mở rộng hoạt động

15:11' - 08/04/2024
BNEWS Dịch vụ Đường sắt Trung Quốc-châu Âu đã khánh thành tuyến đường sắt trực tiếp đầu tiên nối khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc với Serbia.
Hồi cuối tháng Ba, Dịch vụ Đường sắt Trung Quốc-châu Âu đã khánh thành tuyến mới, cũng là tuyến đường sắt trực tiếp đầu tiên nối khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc với Serbia. Điều này cho thấy tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu đã mở rộng mạnh mẽ kể từ khi ra mắt vào năm 2011.

Dịch vụ trên đóng vai trò là tuyến đường sắt an toàn và đáng tin cậy kết nối giữa hai châu lục. Tuyến đường sắt này thường vận chuyển hơn 50.000 loại hàng hóa khác nhau, bao gồm ô tô, phụ tùng, quần áo, ngũ cốc, rượu vang, hạt cà phê và gỗ.

 

Theo Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, đến cuối tháng 2/2024, tuyến đường sắt này đã kết nối 120 thành phố của Trung Quốc với 219 thành phố trên 25 quốc gia châu Âu, và trở thành một trong những tuyến giao thông huyết mạch giữa hai bên.

Trong đại dịch COVID-19, đường sắt Trung Quốc-châu Âu đã chứng tỏ là phương thức vận chuyển hàng hóa an toàn và ổn định hơn. Vì tuyến này ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch hơn so với các giải pháp vận tải khác như tàu thủy và máy bay.

Các doanh nghiệp cũng ưu tiên lựa chọn đường sắt để vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa và các bưu kiện thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu cũng ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt hoặc căng thẳng địa chính trị, do đó đảm bảo tốt hơn dòng chảy không bị đứt đoạn của chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế.

Ông Michael Aldwell, người đứng đầu bộ phận logistics đường biển tại công ty chuyên về logistics Kuehne & Nagel, cho hay nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu bằng đường sắt đang gia tăng trong hoàn cảnh hiện tại. Đồng thời, ông cho biết thêm các hàng hóa có giá trị cao thường được chọn để vận chuyển trên con đường đó.

Trong những năm gần đây, tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Ngày nay, một chuyến tàu chỉ mất khoảng 10 ngày để đi từ thành phố Tây An thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc đến Duisburg ở Đức. Thời gian trên ít hơn hai ngày so với hồi năm 2023.

Đèo Alataw và Cảng Horgos, hai cảng đường sắt lớn ở Khu tự trị Tân Cương ở phía Tây Bắc Trung Quốc, đã tối ưu hóa các thủ tục và mở rộng năng lực cảng nhằm nâng cao hiệu quả vận tải dọc tuyến.

Một quan chức tại đèo Alataw cho biết vào năm 2023, thời gian dừng của các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu tại các cảng này đã giảm xuống còn 6 giờ hoặc 8 giờ.

Dịch vụ Đường sắt tốc hành Trung Quốc-châu Âu cũng đang phát triển ngoài đường sắt, với việc đưa vào sử dụng các tuyến vận tải đường sắt-đường biển tích hợp. Một chuyến hàng bình nóng lạnh chạy điện đã được chuyển từ Thái Lan đến Đức khoảng một tháng trước thông qua nhiều giải pháp vận chuyển, đi qua Lào, Việt Nam và Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục