ECB có rất ít khả năng để "xoay xở" trước tác động của dịch COVID-19

11:39' - 06/03/2020
BNEWS Trước sự lây lan của dịch COVID-19 đã gia tăng áp lực buộc Chủ tịch ECB Christine Lagarde phải hành động, nhưng giới phân tích cảnh báo bà Lagarde có rất ít khả năng để xoay xở.
 Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Những động thái mạnh mẽ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều nước khác trước sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gia tăng áp lực buộc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phải hành động, nhưng giới phân tích cảnh báo bà Lagarde có rất ít khả năng để xoay xở.

Chính sách kích thích “vô tiền khoáng hậu” suốt nhiều năm qua đã đẩy chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB đến giới hạn của nó, giữa lúc các thị trường đang tìm kiếm sự đảm bảo khi dịch COVID-19 đang khiến người tiêu dùng hoang mang, làm gián đoạn hoạt động hàng không và ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng.

Đứng trước thách thức lớn nhất kể từ khi nhậm chức vào tháng 11 năm ngoái, bà Lagarde sẽ chủ trì một cuộc họp của hội đồng điều hành ECB vào ngày 12/5 tới, và các nhà quan sát đang “đứng ngồi không yên” chờ đợi thông báo của ECB.

ECB cho biết sẵn sàng "thực hiện các biện pháp phù hợp khi cần thiết” để giải quyết tác động của dịch COVID-19. Nhưng giới phê bình đặt ra câu hỏi ngân hàng này còn có thể làm được những gì. Chuyên gia phân tích Carsten Brzeski của công ty ING Diba cho rằng ECB đã hết “vũ khí”.

Với lãi suất đang ở các mức thấp kỷ lục, ECB mới đây còn đưa ra một đợt tín dụng siêu rẻ nữa cho các ngân hàng thương mại, đồng thời tiếp tục kế hoạch mua trái phiếu khổng lồ để thúc đẩy tăng trưởng và nâng lạm phát hiện đang ở mức thấp dai dẳng. Chính vì vậy, ông Fritzi Koehler-Geib, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư KfW của Đức, nhận định ECB đang đối mặt với một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” thực sự.

Nhiều chuyên gia dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất tiền gửi từ -0,5% xuống -0,6%, khiến các ngân hàng thương mại mất chi phí nhiều hơn để gửi tiền dư thừa tại ECB, từ đó khuyến khích hoạt động cho vay.

Một phương án khác là ECB có thể chọn thay đổi kế hoạch cho vay “TLTRO" cho các ngân hàng thương mại, chẳng hạn như đưa ra các điều khoản “hào phóng” hơn cho các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ được xem là dễ tổn thương do tác động của dịch bệnh.

ECB cũng có thể gia tăng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ, hiện ở mức 20 tỷ euro (22,3 tỷ USD) mỗi tháng, dù có ý kiến cho rằng điều này có thể diễn ra sau đó trong năm nay vì ECB muốn giữ lại cho mình một chút “vũ khí”.

Trong cuộc họp tuần tới, ECB cũng sẽ công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho rằng dịch COVID-19 là “mối đe dọa nghiêm trọng” có thể làm chậm đà tăng trưởng xuống dưới mức 2,9% của năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục