ECB có thể hạn chế các khoản hỗ trợ “hào phóng” cho các nước đang mắc nợ

12:11' - 04/11/2020
BNEWS ECB đã cam kết đưa ra nhiều biện pháp cứu trợ hơn tại cuộc họp tháng 12/2020 để giúp các nước Eurozone đối phó với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cung cấp các khoản hỗ trợ “ít hào phóng” hơn cho các nước đang mắc nợ để thúc đẩy họ đăng ký các khoản vay gắn với đầu tư hiệu quả, trước khi ngân hàng này đưa ra một gói kích thích mới vào tháng trước.

Tuần trước, ECB đã cam kết sẽ đưa ra nhiều biện pháp cứu trợ hơn tại cuộc họp tháng 12/2020 để giúp các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đối phó với làn sóng thứ hai của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bốn nguồn tin tiết lộ với báo giới rằng các nhà hoạch định chính sách đang tranh luận về việc liệu ECB có nên mở rộng Chương trình thu mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) hay Chương trình Thu mua tài sản (APP) thông thường của ngân hàng này.

PEPP mang lại sự linh hoạt chưa từng có cho ECB trong việc mua trái phiếu từ bất kỳ quốc gia nào đang gặp khó khăn, trong khi các giao dịch của APP thường phản ánh quy mô của mỗi quốc gia trong khối.

Sự cân nhắc trên là do PEPP đã giảm chi phí đi vay cho các chính phủ mắc nợ như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đến mức họ “tránh xa” các khoản vay cũng của EU nhưng gắn với yêu cầu đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số và thân thiện môi trường.

ECB đã mua quá mức số lượng trái phiếu từ Italy và Tây Ban Nha theo chương trình PEPP kể từ đợt lây nhiễm đầu tiên của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào mùa Xuân, qua đó giúp giảm lợi suất trái phiếu của những nước này xuống mức trước đại dịch.

Đây là một biện pháp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các chính phủ những nước này vào thời điểm căng thẳng, nhưng đồng thời khiến việc vay vốn từ quỹ Thế hệ tiếp theo của EU trở nên kém hấp dẫn hơn.

Quỹ Thế hệ tiếp theo – cũng được công bố như một biện pháp đối phó với tác động của COVID-19 - phải được chi cho các dự án xanh hoặc chuyển đổi kỹ thuật số và được EU kiểm tra. Những yếu tố này khiến các chính phủ ít cảm thấy việc tiếp cận quỹ không hấp dẫn bằng việc bán trái phiếu khi chênh lệch lãi suất là khá nhỏ.

Chưa có chính phủ châu Âu nào nộp đơn đăng ký vay từ Quỹ Thế hệ Tiếp theo, trong khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều cho rằng rằng những nước này không nên hành động vội vàng như vậy.

Diễn biến đó đã khiến một số quan chức ECB không hài lòng vì họ lo ngại các chính phủ sẽ không chi tiêu số tiền được huy động một cách hiệu quả.

Một số quan chức ECB đang ủng hộ gói kích thích mới được chuyển qua APP - vốn kiểm soát nguồn tài trợ cho các quốc gia theo hạn ngạch được xác định trước. Theo quan điểm của những quan chức này, việc mở rộng chương trình mua trái phiếu khẩn cấp sau tháng 6/2021 là không hợp lý vì thị trường trái phiếu đã bình tĩnh khi đối diện với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 so với hồi đầu năm.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách khác lại cho rằng Eurozone vẫn đang trong giai đoạn cấp bách. Do vậy ECB cần duy trì PEPP như theo hướng dẫn riêng của ngân hàng trung ương này.

Sự khác biệt giữa hai chương trình PEPP và APP là rất đáng chú ý và quyết định về gói kích thích quy mô lớn sẽ gợi ý về mức độ ECB có thể giúp đỡ cho các quốc gia mắc nợ nhiều nhất trong khối. Thành phần của gói kích thích mới sẽ được quyết định tại cuộc họp chính sách ngày 10/12 của ECB. Các nguồn tin cho biết có thể sẽ có một sự thỏa hiệp tại cuộc họp, với cả PEPP và APP đều được mở rộng nhưng PEPP vẫn là công cụ chính./.

>>ECB không thay đổi lãi suất chủ chốt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục