EU bế tắc trước áp lực tìm giải pháp cho khủng hoảng năng lượng

05:30' - 28/10/2022
BNEWS Báo Le Monde cho biết trước thực trạng giá năng lượng tăng cao, sau nhiều cuộc họp, các nước châu Âu vẫn chưa thể tìm ra giải pháp cụ thể thỏa mãn nhu cầu của 27 nước thành viên có lợi ích khác nhau.

Các nhà lãnh đạo chỉ có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục "nghiên cứu" và "suy nghĩ" mọi phương cách để "khẩn trương" tìm ra biện pháp thỏa đáng nhất.

Tại cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu tại Brussels cách đây ít ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thừa nhận về sự bất đồng giữa Pháp và Đức về nhiều điểm trong chính sách của Liên minh châu Âu (EU), và bản thân các nước thành viên còn lại cũng có một số vấn đề không đồng quan điểm với hai đầu tàu kinh tế này.

Lần này, chủ đề về giá năng lượng tăng cao đã gây ra nhiều quan ngại khi nó ngày càng gây chia rẽ giữa các nước thành viên.

Tại cuộc họp nêu trên, nhóm 27 nước đã tranh cãi rất nhiều và gay gắt, từ "11 giờ trưa ngày 20/10 cho đến tận đêm khuya", khi hóa đơn tiền điện và khí đốt đang lên đến đỉnh điểm, và đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp châu Âu thích đóng cửa các cơ sở sản xuất của họ hơn là trả tiền cho nhà nước.

Đồng thời, sự bất bình của xã hội đang gia tăng trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng được nhắc đến với rất nhiều vụ phá sản và thất nghiệp. Đã không có bất cứ giải pháp màu nhiệm nào được tìm ra, và tất cả chỉ có thể đồng ý yêu cầu EC "khẩn cấp" nghiên cứu những phương cách mà một số nước - Đức dẫn đầu - không tán thành.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, điều này đã "gửi một tín hiệu rõ ràng tới thị trường về quyết tâm của EU trong việc chống lại mọi hình thức đầu cơ".

Nhưng ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng những gì EC có thể làm sẽ làm giảm giá năng lượng trong giai đoạn hiện nay.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã tìm nhiều cách để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, từ giảm tiêu thụ, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu đến tăng cường năng lượng tái tạo...

Kết quả, như Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã khẳng định, "Nga đã cắt giảm 2/3 nguồn cung cấp khí đốt cho EU, nhưng chúng tôi đã có thể bù đắp vào mùa Thu này". Thế nhưng vấn đề là giá năng lượng vẫn không ngừng tăng tại thị trường này khi mùa Đông cận kề.

EU đang tìm kiếm một giải pháp ứng phó với tình trạng giá khí đốt và giá điện cùng tăng cao. Ngày 18/10, EC đã đưa ra các đề xuất đầu tiên, gồm mua chung khí đốt, chuẩn bị một chỉ số tham chiếu mới, tăng cường tình đoàn kết giữa các nước thành viên, xây dựng cơ chế điều chỉnh thị trường nhằm "đóng băng" giá khí đốt trong trường hợp có biến động quá mức.

Nhưng một số quốc gia thành viên vẫn coi là chưa đủ. Trong suốt hai ngày họp 20-21/10 vừa qua, bất kể ngày hay đêm và sau nhiều tranh cãi, các lãnh đạo EU đã quyết định "nghiên cứu" một cơ chế giới hạn giá khác, có tên gọi "cơ chế Iberia", nhằm vào lượng khí đốt được sử dụng để sản xuất điện.

Các lãnh đạo cũng đề nghị EC "suy nghĩ" về các khoản trợ cấp tối đa dành cho các nước thành viên dễ bị tổn thương nhất bởi khủng hoảng.

Những tuần gần đây, Pháp đã ra sức thuyết phục các đối tác trong khối ủng hộ cơ chế Iberia mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đề xuất, nhưng đã gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là tác động của cơ chế này sẽ rất khác nhau giữa các nước thành viên vốn có hỗn hợp năng lượng hoàn toàn khác nhau.

Một số phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân như Pháp, trong khi một số khác chủ yếu dựa vào khí đốt như Đức, hoặc vào than đá như Ba Lan, hoặc vào năng lượng tái tạo như Tây Ban Nha.

Italy, Hy Lạp, Bỉ và Ba Lan thích áp trần đối với giá khí bán buôn. Theo ví von của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thì EU đang đi vào "một miền đất xa lạ" (terra incognita) bởi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng.

Do tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga, các Trung Âu, đặc biệt là Hungary, đã kịch liệt phản đối ý tưởng nêu trên do lo sợ Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt của mình.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết trên Twitter tối ngày 20/10 rằng việc giới hạn giá khí đốt cũng "giống như đi vào quán bar và nói với người phục vụ rằng bạn muốn trả một nửa giá cho ly bia của mình.

Không thể có chuyện như vậy". Về phần mình, Hà Lan sợ rằng mọi quyết định vội vàng và thiếu thông tin sẽ khiến thị trường trượt giá.

Đến Brussels trong một tâm trạng căng thẳng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không muốn nghe bất cứ điều gì như là giới hạn giá khí đốt. Ông cho rằng điều đó sẽ dẫn đến tăng khối lượng tiêu thụ, đồng thời xua đuổi các nhà cung cấp - những người muốn bán khí đốt của họ với giá cao hơn nơi khác.

Đặc biệt, một khi đã thoát khỏi đại dịch COVID-19, Trung Quốc sẽ có nhu cầu năng lượng rất lớn để vực dậy nền kinh tế của mình. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Đức, quốc gia có ngành công nghiệp không thể thiếu khí đốt, đặc biệt lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Tuy nhiên, tối 20/10 tại Brussels, cho dù vẫn lặp lại những nghi ngờ của mình sau một cuộc trao đổi với người đồng cấp Bỉ, Thủ tướng Đức dường như đã có sự thay đổi trong quan điểm khi khẳng định: "Tôi không nói không với bất cứ điều gì, tôi cũng không nói là đồng ý. Nếu không muốn có một giải pháp, tôi đã không đến dự cuộc họp".

Ông Mario Draghi, người dự cuộc họp lần cuối cùng trước khi bàn giao cương vị cho nữ Thủ tướng Giorgia Meloni, cũng bày tỏ mong muốn Đức sẽ ủng hộ việc thiết lập một cơ chế tài trợ cho các nước thành viên dễ bị tổn thương nhất, bao gồm Italy.

Ngay sau khi Berlin công bố kế hoạch chống lạm phát năng lượng 200 tỷ euro (198 tỷ USD) dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ngày 29/9, cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bày tỏ lo ngại kế hoạch của Berlin sẽ làm biến dạng thị trường nội khối EU.

Ông Mario Draghi cho rằng "các quốc gia thành viên phải xây dựng một khả năng chi tiêu chung để bảo vệ sân chơi bình đẳng. Đó không phải là vấn đề đoàn kết, mà là bảo vệ thị trường nội khối".

Quan điểm của cựu Thủ tướng Italy đã nhận được sự ủng hộ của Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Tuy nhiên, Italy đã không thu được gì nhiều, ngoại trừ việc EU cam kết "sẽ huy động các công cụ thích hợp ở cấp quốc gia và châu Âu" để xây dựng "khả năng" mà ông Draghi đề cập.

Giữa một mớ "bung xung", Tổng thống Pháp Macron chỉ biết chờ đợi EC sẽ có các đề xuất cụ thể vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Ngay cả khi đã tránh được va chạm, các thành viên EU vẫn còn nhiều điểm phải quyết định và các cuộc đàm phán trong những tuần tới hứa hẹn sẽ rất khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục