EU: Đàm phán về thuế kỹ thuật số đạt kết quả đáng ngạc nhiên

08:35' - 08/11/2019
BNEWS Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager ngày 7/11 đánh giá nỗ lực quốc tế nhằm đánh thuế hợp lý hơn đối với Google và Facebook đã đạt được kết quả đáng ngạc nhiên.
 Biểu tượng của Google . Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh web ở Lisbon, Bồ Đào Nha, bà Vestager cho rằng sự tiến triển trong vấn đề thuế kỹ thuật số đã diễn ra nhanh chóng và bao phủ ở cấp độ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và cho biết thêm đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài châu Âu.
Dư luận đang kỳ vọng từ nay đến tháng 6/2020, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ phê duyệt một đề xuất của OECD nhằm tìm kiếm một thỏa thuận đánh thuế đối với các "đại gia" công nghệ toàn cầu.

Nếu đạt được, thỏa thuận này sẽ vượt qua các rào cản lớn, bao gồm cả Mỹ và các quốc gia có thuế suất thấp như Ireland hoặc Luxembourg, nơi nhiều hãng công nghệ tên tuổi lớn đặt trụ sở.
Theo Pascal Saint-Amans, nhà đàm phán hàng đầu của OECD về thuế, thật khó để tạo ra những thay đổi cơ bản trong một thời gian ngắn như vậy mà không có sai sót. Nhưng ông nghĩ điều đó là khả thi vì có quá nhiều áp lực chính trị từ các quốc gia. Chủ đề này mang rất nhiều màu sắc chính trị và tất cả đều không muốn chờ đợi thêm nữa.
Cuộc chạy đua để tìm ra giải pháp đang trở nên cấp bách khi sự phẫn nộ của công chúng bùng nổ vì sự dịch chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, điều mà những người chỉ trích cho rằng các chính phủ bị tước đoạt phần thuế lẽ ra được hưởng của mình.

Những "gã khổng lồ" công nghệ với lợi nhuận cao chót vót bị buộc tội trốn thuế tại các quốc gia, nơi mà họ bị cho là chuyển nguồn thu nhập khổng lồ sang các nước có thuế suất thấp.
Năm ngoái, Ireland, được hỗ trợ bởi Thụy Điển và Đan Mạch, đã phản đối nỗ lực của EU trong việc soạn thảo quy định về thuế kỹ thuật số châu Âu, đồng thời khẳng định rằng một giải pháp rộng hơn của OECD là cách tốt nhất.
Đề xuất của OECD - được đàm phán bởi 134 quốc gia - có ý định tái phân bổ một số nguồn lợi nhuận và quyền đánh thuế cho các quốc gia, nơi các công ty kỹ thuật số hoạt động kinh doanh, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu.

Các quy tắc mới muốn các công ty như vậy sẽ bị đánh thuế ở những nơi họ tiến hành kinh doanh ngay cả khi các thực thể trên không có sự hiện diện cơ sở vật chất tại địa bàn, vốn là một thực tế ngày càng tăng trong thời đại kỹ thuật số.
Nhiều quốc gia đã đề xuất mức thuế riêng, và Pháp là nước mạnh mẽ nhất với việc tự áp đặt mức thuế, điều này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trả đũa bằng thuế quan đối với rượu vang Pháp./.
>> Kế hoạch áp thuế lên “bộ tứ” đại gia công nghệ và nguy cơ xảy ra thương chiến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục