EU khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận Brexit

09:43' - 30/01/2019
BNEWS Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận “ly hôn” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh, hay còn gọi là Brexit, là không thể đàm phán lại.

Đây là phản ứng của EU ngay sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ việc thay thế thỏa thuận biên giới với CH Ireland bằng các “dàn xếp thay thế khác” nhưng chưa được xác định.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái, hàng đầu) phát biểu tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm của Hạ viện ở London ngày 16/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn trên tuyên bố EU tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan đến những bước tiếp theo ngay khi có thể, đồng thời tái khẳng định thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo việc Vương quốc Anh ra khỏi EU một cách có trật tự.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đại diện cho lãnh đạo châu Âu, đã tham vấn các lãnh đạo châu Âu về việc Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu EU rút lại điều khoản “rào chắn” của thỏa thuận.

Người phát ngôn của Chủ tịch EC khẳng định giải pháp "rào chắn", vốn nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, là một phần của thỏa thuận Brexit và khẳng định sẽ không mở lại đàm phán về mục này.

Quan chức này khẳng định lại lập trường từ trước đến nay của EU rằng có thể tìm ra cách điều chỉnh Tuyên bố chính trị được ban hành song song với thỏa thuận “ly hôn” Anh-EU.

Người phát ngôn cũng cho biết thêm nếu Anh đưa ra "yêu cầu hợp lý" để gia hạn thời hạn Brexit sau ngày 29/3 tới, và nếu các quốc gia thành viên nhất trí, điều này có thể được dàn xếp.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh thỏa thuận Brexit là “thỏa thuận tốt nhất có thể và không thể đàm phán lại”.

Trong một tuyên bố đưa ra cuối Hội nghị thượng đỉnh các nước miền Nam EU tại Nicosia (Cyprus), ông Macron hối thúc Chính phủ Anh “khẩn trương” trình lên Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier về những bước tiếp theo nhằm tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Trước đó, tối 29/1 (giờ địa phương), Hạ viện Anh đã tiến hành bỏ phiếu về một loạt điều khoản bổ sung nhằm sửa đổi kế hoạch Brexit của Thủ tướng May sau khi bác bỏ thỏa thuận này hôm 15/1 vừa qua.

Trong số 7 điều khoản bổ sung, chỉ có 2 điều khoản được thông qua bao gồm: chính phủ loại trừ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận và thay điều khoản "rào chắn" bằng các “dàn xếp thay thế khác”.

Sau cuộc bỏ phiếu mới nhất tại Hạ viện Anh, giá đồng bảng Anh đã giảm 0,7% so với đồng USD và 0,8% so với đồng euro.

Trước khi cuộc bỏ phiếu này bắt đầu, đồng bảng Anh đã giảm khoảng 0,1% lần lượt so với hai đồng ngoại tệ trên.

Cũng trong ngày 29/1, Quốc hội Hà Lan đã thông qua một dự luật gây tranh cãi, theo đó trao một số quyền đặc biệt cho nội các của Thủ tướng Mark Rutte nhằm khắc phục hậu quả nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, các nghị sỹ đặt ra thời hạn 6 tháng, thay vì 12 tháng theo đề xuất của chính phủ, để các bộ trưởng có thể bổ sung các điều luật mà không cần Quốc hội phê chuẩn.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tương lai về Brexit không đảm bảo khi chỉ còn 2 tháng nữa Anh rời EU, và Thủ tướng May ngày 29/1 tuyên bố sẽ nỗ lực đàm phán lại thỏa thuận Brexit đã nhất trí với EU cuối năm 2018.

Tại cuộc tranh luận của Quốc hội Hà Lan hồi tuần trước về các biện pháp khẩn cấp trên, Ngoại trưởng Stef Block cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ gây hậu quả khôn lường cho đất nước 17 triệu dân, vốn có quan hệ thương mại gần gũi với Anh.

Chính phủ Hà Lan đang tiến hành các bước chuẩn bị quan trọng trước Brexit, theo đó dành khoản ngân sách 100 triệu euro (114 triệu USD) cho công tác chuẩn bị, bao gồm cả việc lập 900 văn phòng hải quan mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục