EU nới lỏng quy định về trợ cấp cho công nghệ xanh

09:55' - 10/03/2023
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) ngày 9/3 đã nới lỏng các quy định về trợ cấp chính phủ cho những công nghệ xanh giúp làm giảm lượng khí thải carbon.

Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ từ chính sách trợ cấp của Mỹ và Trung Quốc đối với ngành công nghiệp của châu Âu.

 
EC cho biết các quy định mới sẽ được áp dụng đến hết năm 2025 và, trong “những trường hợp ngoại lệ”, cho phép các nước thành viên được đưa ra các mức trợ cấp bằng với các nước khác khi “thực sự có nguy cơ vốn đầu tư bị chuyển hướng khỏi châu Âu”.

Dù không muốn gây ra một “cuộc đua” về trợ cấp, Liên minh châu Âu (EU) lo ngại rằng chính sách trợ cấp chính phủ và chi phí năng lượng thấp hơn ở chau Á và Bắc Mỹ sẽ thu hút các công ty khiến họ dịch chuyển khỏi khối này. Năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật giảm lạm phát (IRA) đáng chú ý khi cho những người mua xe điện được hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn nếu họ mua hàng do Mỹ sản xuất.

Trước đó, nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức ngày 8/3 cho biết, hãng đang chờ đợi phản ứng của EU với gói trợ cấp xanh khổng lồ của Mỹ trước khi tiếp tục với kế hoạch xây dựng nhà máy pin ở Đông Âu.

Thông báo trên của EC được đưa ra chỉ một ngày trước khi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ hội kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào ngày 10/3 để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có tình hình căng thẳng thương mại giữa hai bên. EU đang muốn đàm phán với Mỹ một thỏa thuận thương mại cho phép khối này được hưởng một số lợi ích trong chương trình khí hậu của Tổng thống Biden.

EU hy vọng các biện pháp mới của khối sẽ hỗ trợ hoạt động đầu tư vào những công nghệ như pin, tấm pin năng lượng Mặt Trời, tua-bin gió, máy nước nóng bơm nhiệt, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, cũng như hoạt động sản xuất và tái chế các nguyên liệu thô quan trọng có liên quan.

Tuy nhiên, quyết định nới lỏng các quy định về trợ cấp này không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ các nước thành viên EU. Trong khi nhiều nước, trong đó có Pháp, ủng hộ chính sách này, một số nước khác cho rằng nó chỉ có lợi cho các nước có năng lực tài chính mạnh và có nguy cơ làm phân mảnh thị trường chung của khối.

Đáp lại lo ngại này, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager khẳng định các quy định mới là “phù hợp, có mục tiêu rõ ràng và chỉ mang tính tạm thời”.

Đức và Pháp chiếm lần lượt 53% và 24% lượng trợ cấp chính phủ dược báo cáo lên EU kể từ tháng 3/2022, khi các quy định này được nới lỏng sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục