EU tăng cường biện pháp ứng phó với khủng hoảng y tế

10:12' - 13/07/2023
BNEWS Ngày 12/7, Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu cho dự luật khôi phục hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, đồng thời thông qua bản báo cáo cách thức ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Cụ thể, luật mới được thông qua với 336 phiếu ủng hộ, 300 phiếu phản đối và 13 phiếu trắng. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) cần triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục hệ sinh thái tự nhiên từ nay đến trước năm 2030, đạt mục tiêu hoàn thành việc khôi phục này đối với ít nhất 20% diện tích đất và biển của khu vực.

Các nghị sĩ nhấn mạnh việc khôi phục hệ sinh thái có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học và giảm thiểu rủi ro an ninh lương thực.

 

Tuy nhiên, dự luật không áp đặt việc thiết lập những khu vực mới cần được bảo vệ ở EU, cũng như không ngăn chặn việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới phục vụ việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết dự luật mới này cũng sẽ đem lại những lợi ích kinh tế to lớn cho khu vực.

EC đã đề xuất dự luật nói trên từ hồi tháng 6/2022. EP sẽ bắt đầu quá trình thảo luận với Hội đồng Liên minh châu Âu hay Hội đồng Liên minh châu Âu (cơ quan ra quyền quyết định trong EU) về phiên bản cuối cùng của dự luật. Theo dữ liệu của EP, hơn 80% môi trường sống tự nhiên đang ở tình trạng suy thoái.

Liên quan đến báo cáo về cách thức ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai, tài liệu này đã đưa ra một lộ trình rõ ràng, dựa trên bài học đút rút được từ đại dịch COVID-19. Theo thông cáo báo chí của EP, mục tiêu là củng cố "Liên minh Y tế châu Âu" vốn được khởi động từ hồi tháng 2/2022 đồng thời tăng cường tính bền vững của hệ thống y tế các nước trong khối để có thể ứng phó với những thách thức y tế trong tương lai.

Lộ trình hành động tương lai tập trung vào 4 lĩnh vực chính: y tế; dân chủ và các quyền cơ bản; các khía cạnh kinh tế và xã hội; và phản ứng toàn cầu trước đại dịch.

Các đề xuất được đưa ra trong báo cáo gồm việc nâng cao khả năng tự chủ chiến lược của EU đối với khả năng cung ứng thuốc, minh bạch trong các hoạt động mua bán chung và năng lực giám sát tốt hơn ở cả cấp độ EU và cấp quốc gia đối với việc thiết lập các quy định mới trong trường hợp khẩn cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục