Nghị viện châu Âu thông qua dự luật giảm khí thải và tăng diện tích rừng

07:26' - 15/03/2023
BNEWS Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua với đa số tán thành 2 dự luật nhằm giảm khí thải của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 14/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua với đa số tán thành 2 dự luật nhằm giảm khí thải của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong một số lĩnh vực và tăng cường các hệ sinh thái tự nhiên hấp thụ khí CO2.

 

Hai dự luật trên, nằm trong số các dự luật quan trọng về biến đổi khí hậu được cơ quan lập pháp châu Âu xem xét, nhằm đảm bảo tổng lượng khí thải của 27 nước thành viên EU vào năm 2030 sẽ giảm 55% so với mức của năm 1990.

Cụ thể, dự luật thứ nhất đặt ra các mục tiêu quốc gia cao hơn về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong các lĩnh vực gồm giao thông đường bộ, hệ thống sưởi ấm các tòa nhà, nông nghiệp và quản lý chất thải. Khác với ngành công nghiệp và sản xuất điện, những lĩnh vực này không nằm trong thị trường carbon EU, song tạo ra khoảng 60% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khu vực.

Dự luật mới đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng khí thải của các nước thành viên EU trong các lĩnh vực nêu trên sẽ giảm 40% so với mức của năm 2005, thay cho mục tiêu hiện nay là 30%. Theo luật này, các nước giàu hơn sẽ phải cắt giảm lượng khí thải mạnh hơn, như Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Luxembourg và Thụy Điển phải giảm 50% trong khi Bulgaria cần giảm 10%. 

Dự luật mới cũng thắt chặt lượng khí thải trong quá khứ hoặc tương lai mà mỗi nước có thể “tiết kiệm” hoặc “vay” để đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, dự luật thứ hai tập trung vào tăng diện tích các khu rừng, đầm lầy và các hệ sinh thái tự nhiên khác hấp thụ khí CO2 từ khí quyển. Dự luật đặt mục tiêu đảo ngược xu hướng suy giảm các bể chứa carbon của châu Âu gần đây, thông qua loại bỏ lượng khí thải ròng tương đương 310 triệu tấn CO2 vào năm 2030, tăng khoảng 15% so với mục tiêu hiện nay. Mỗi nước thành viên EU được áp mục tiêu ràng buộc riêng để loại bỏ lượng khí thải nhiều hơn và để EU đạt được mục tiêu chung.

Năm ngoái, các nước thành viên EU và các nghị sĩ EP đã thống nhất về các chi tiết của 2 dự luật trên sau nhiều tháng thảo luận. Sau khi được EP thông qua, 2 dự luật này sẽ được các nước thành viên EU xem xét và bỏ phiếu trong những tháng tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục