EU vạch ra lộ trình cho tương lai của ngành nông nghiệp và thực phẩm

07:53' - 20/02/2025
BNEWS Lộ trình này bao gồm 4 lĩnh vực chính và là bước đệm quan trọng trước khi EU công bố một khuôn khổ pháp lý đơn giản hóa và chiến lược nông nghiệp mới vào cuối năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố một "lộ trình" đầy tham vọng cho tương lai của ngành nông nghiệp và thực phẩm Liên minh châu Âu (EU), đặt mục tiêu xây dựng một lĩnh vực thịnh vượng, cạnh tranh và bền vững.

 

Lộ trình này bao gồm 4 lĩnh vực chính và là bước đệm quan trọng trước khi EU công bố một khuôn khổ pháp lý đơn giản hóa và chiến lược nông nghiệp mới vào cuối năm nay.

Phát biểu với báo giới ngày 19/2 ở Brussels, Ủy viên EU về Nông nghiệp và Thực phẩm, ông Christophe Hansen nhấn mạnh thực phẩm và nông nghiệp có vai trò sống còn đối với người dân, nền kinh tế và xã hội châu Âu: "Chúng ta cần một ngành công nghiệp thực phẩm phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu một cách công bằng, đồng thời có đủ khả năng chống chịu trước các cuộc khủng hoảng và biến động. An ninh lương thực cũng là một yếu tố then chốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đầy rủi ro như hiện nay".

Lộ trình mới này tập trung vào việc tạo ra một nền sản xuất lương thực châu Âu hấp dẫn, cạnh tranh và linh hoạt. Mục tiêu chính là đảm bảo ngành nông nghiệp luôn sẵn sàng cho tương lai, đồng thời mang lại điều kiện sống và làm việc công bằng cho người lao động.

Để đạt được những mục tiêu này, EU cam kết hỗ trợ những người trẻ tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm, thúc đẩy đổi mới và các mô hình kinh doanh mới, tạo ra các biện pháp tín chỉ carbon mạnh mẽ hơn và bảo vệ các nhà sản xuất khỏi áp lực bán sản phẩm dưới giá thành.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của lộ trình là cam kết chú trọng hơn đến nông nghiệp trong các cuộc đàm phán thương mại của EU. Điều này bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của EU đối với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực phúc lợi động vật và sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm.

EU cũng đặt mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp, khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường và xem xét kỹ lưỡng việc cấm thuốc trừ sâu, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Bên cạnh các biện pháp trên, EU cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển khu vực nông thôn. Một kế hoạch hành động mới và cập nhật sẽ được triển khai, với mục tiêu biến các vùng quê trở nên "sống động" hơn, "chức năng" hơn và "gắn kết sâu sắc" hơn với di sản văn hóa và tự nhiên của EU. Điều này bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra việc làm và thu hút đầu tư vào các khu vực nông thôn.

Để đảm bảo tính minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan, EU sẽ tổ chức "Đối thoại thực phẩm" hàng năm. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề liên quan đến khả năng chi trả thực phẩm, đổi mới trong ngành thực phẩm và các chính sách hỗ trợ.

Với lộ trình đầy tham vọng này, EU đang thể hiện quyết tâm xây dựng một ngành nông nghiệp và thực phẩm bền vững, cạnh tranh và an toàn. Đây là một bước đi quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân châu Âu và tạo ra một tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp của khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục