Eurogroup yêu cầu Italy đưa ra một dự thảo ngân sách khả tín và bền vững hơn

09:05' - 02/10/2018
BNEWS Các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) họp tại Luxembourg ngày 1/10 đã gây áp lực lên Italy phải tôn trọng các quy định về ngân sách của EU.

Tuy nhiên, Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) cũng đã nhất trí không vội đưa ra các biện pháp mạnh tay nhằm vào kế hoạch chi tiêu của chính phủ theo chủ nghĩa dân túy tại Italy.

Với quyết định mới của liên minh cầm quyền, thâm hụt ngân sách của Italy sẽ ở mức tương đương 2,4% GDP trong năm 2019, trong khi chính phủ trung tả trước đây đặt ra mục tiêu chỉ khoảng 0,8% GDP cho giai đoạn 2019-2021.

Trong cuộc họp báo tại Luxembourg sau cuộc họp, Chủ tịch Eurogroup Mario Centeno cảnh báo Chính phủ Italy phải đưa ra một dự thảo ngân sách khả tín và bền vững.

Vấn đề ngân sách của Italy đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị các bộ trưởng tài chính Eurozone tại Luxembourg theo yêu cầu của bộ trưởng một số nước EU như Pháp và Hà Lan.

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết ông đã cảm thấy lạc quan hơn một chút sau khi thảo luận với các nhà đồng cấp châu Âu. Tuy nhiên ông nhấn mạnh vẫn còn nhiều điều phải làm.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nhắc lại các quy tắc ngân sách đối với Rome, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc này là bình đẳng với mỗi nước thành viên Eurozone vì một tương lai liên kết giữa họ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng cho biết Ủy ban đã thảo luận với Chính phủ Italy trước khi nước này phải đệ trình bản dự thảo ngân sách của họ vào ngày 15/10.

Brussels đặc biệt yêu cầu Rome duy trì thâm hụt ngân sách ở mức thấp, cùng với việc giảm gánh nặng nợ công đang ở mức tương đương 131% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - cao thứ hai ở Eurozone và chỉ đứng sau Hy Lạp.

Ông Juncker cũng cảnh báo EU cần phải “nghiêm khắc và công bằng” với Italy để tránh khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới

Trước đó ngày 27/9, Chính phủ Italy đã nhất trí về kế hoạch ngân sách 2019 với thâm hụt ngân sách tương đương 2,4% GDP trong 3 năm tới, lớn gấp 3 lần so với chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm trước đó.

Điều này đang gây nên những phản ứng chỉ trích từ Ủy ban châu Âu và các hành động bán tháo trái phiếu nhà nước của các nhà đầu tư.

Italy hiện là quốc gia có mức nợ công cao thứ 2 trong EU sau Hy Lạp. Italy sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của các nước EU nếu quyết tâm phá vỡ quy tắc, thực thi kế hoạch ngân sách trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục