EVFTA - Bài 3: Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu

18:26' - 30/06/2019
BNEWS Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 30/6 tại Hà Nội được xem là FTA thế hệ mới thứ hai sau Hiệp định CPTPP.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6 tại Hà Nội được xem là FTA thế hệ mới thứ hai sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam có cam kết toàn diện về các lĩnh vực tài chính như: thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm.

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh các vấn đề về này.

Ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính. Ảnh: Zing

BNEWS: Thưa ông, Việt Nam sẽ thực hiện những cam kết gì về thuế từ Hiệp định này?

Ông Hà Duy Tùng: Về cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam, chúng ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.

Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.

Cam kết đối với một số nhóm hàng quan trọng của Việt Nam như sau: ô tô Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000 cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại.

Linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau tối đa 7 năm; xe máy cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm đối với xe máy phân khối lớn (trên 150 cc) và sau 10 năm đối với các nhóm xe máy còn lại.

Đối với mặt hàng hóa chất, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau tối đa 7 năm; trong đó, khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu hóa chất từ EU được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Mặt hàng đồ uống có cồn, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu tối đa không quá 10 năm.

Với thịt lợn, gà, bò, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3 năm đối với thịt bò; 7 năm đối với thịt lợn đông lạnh, 9 năm đối với các nhóm thịt lợn khác và 10 năm đối với thịt gà. Sữa và sản phẩm sữa, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3-5 năm.

Cá và các sản phẩm cá xóa bỏ thuế nhập khẩu sau tối đa 3 năm đối với cá và tối đa 7 năm đối với chế phẩm từ cá.

Thuốc lá, xì gà, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm. Máy móc thiết bị xóa bỏ thuế nhập khẩu tối đa 7 năm. Sản phẩm gỗ, giấy, xóa bỏ thuế nhập khẩu tối đa 7 năm.

Nhóm đang áp dụng chính sách hạn ngạch thuế quan (TRQ) gồm: trứng, đường, lá thuốc lá, muối, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu trong hạn ngạch WTO sau 10 năm, không cam kết đối với thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch.

Về cam kết thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)....

Cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA cơ bản tương tự như cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong CPTPP.

BNEWS: Ngoài các cam kết về thuế thì các cam kết về hải quan, dịch vụ tài chính cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Xin ông cho biết về các cam kết trong những lĩnh vực này?

Ông Hà Duy Tùng: Tại Chương 4 của Hiệp định EVFTA bao gồm các cam kết về hải quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu như: tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến các yêu cầu hải quan, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan; đảm bảo tính minh bạch của tất cả các yêu cầu hải quan, gồm cả cơ chế tham vấn giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường năng lực kiểm soát hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan hải quan....

Bên cạnh đó, cam kết EVFTA về dịch vụ tài chính; trong đó, có dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ chứng khoán, cơ bản cam kết của Việt Nam ngang bằng với cam kết chung của Việt Nam trong WTO và các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Về bảo hiểm, Việt Nam cũng cam kết ba nội dung với cam kết cao hơn so với WTO là mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; cung cấp loại hình dịch vụ bảo hiểm sức khỏe thông qua hình thức hiện diện thương mại và thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam.

Về chứng khoán, Việt Nam cam kết không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước đối với hai loại hình dịch vụ là cung cấp và lưu chuyển thông tin và dịch vụ tư vấn, trung gian và phụ trợ. Cam kết này cũng tương tự cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã tham gia.

Nông thủy sản của Việt Nam dù có lợi thế khi EU giảm thuế nhập khẩu nhưng phải đáp ứng yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm. Ảnh: TTXVN

BNEWS: Thưa ông, EVFTA cũng sẽ tạo ra cơ hội  nhưng cũng không thiếu những thách thức đối với Việt Nam. Vậy theo ông, những lĩnh vực nào Việt Nam sẽ có lợi thế và ngành nào sẽ gặp khó khăn ?

Ông Hà Duy Tùng: EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Về xuất khẩu, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2018 đạt 41,99 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2017. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Như vậy, có thể thấy EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới,…

Đối với ngành thủy sản, đây là mặt hàng chịu thuế cao của EU. Việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có lộ trình với hầu hết các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm sẽ tạo điều kiện cho thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU có sức cạnh tranh hơn so với các nước có lợi thế xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Philipines…

Đối với ngành da giày, mức thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam hiện là 12,4%. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc có xuất xứ Việt Nam sau 3-7 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm giày dép còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với ngành dệt may, mức thuế suất bình quân EU đang áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đang là 12%. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết nguyên vật liệu ngành dệt may và xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình 3-7 năm đối với quần áo thành phẩm các loại.

Các sản phẩm nông sản nhiệt đới là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam lại không phải là mặt hàng được bảo hộ lớn của EU. Vì vậy, khi EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực theo cam kết EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực vào thị trường này.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng sẽ chịu sức ép cạnh tranh hơn như: ô tô, dược phẩm, chăn nuôi.... Ngoài ra, các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam dù có lợi thế khi EU giảm thuế nhập khẩu nhưng cũng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>>EVFTA - Bài 1: Tận dụng tối đa lợi ích

>>>EVFTA - Bài 2: Tạo sức ép cho doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh

>>>EVFTA - Bài 4: Cơ hội lớn cho ngành thủy sản bứt phá

>>>EVFTA - Bài cuối: Cơ hội tăng dòng vốn đầu tư và khẳng định vị thế Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục