EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020: Dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập

07:00' - 01/08/2020
BNEWS Không chỉ mang đến cơ hội lớn về mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư, EVFTA còn là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

Sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Không chỉ mang đến cơ hội lớn về mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư, đây còn là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

* Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU

EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển.

Đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. EVFTA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.

Việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA - đã trải qua một hành trình dài với sự nỗ lực không mệt mỏi của nhiều bên. Nếu tính từ khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10-2010 cho tới nay thì thời gian là gần tròn 10 năm.

Đây là quá trình dài, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Với việc phê chuẩn Hiệp định này, Liên minh châu Âu - một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới - đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Trong bối cảnh của dịch COVID-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế của Việt Nam nói riêng, việc EVFTA có hiệu lực vào thời điểm này sẽ góp phần hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch.

Đặc biệt là khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, những thị trường có ý nghĩa chiến lược như thị trường của Liên minh châu Âu. Do đó, đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các thị trường để tránh sự phụ thuộc vào một số các thị trường nhất định.

Đồng thời, EVFTA sẽ tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, việc thực thi hiệp định này sẽ thêm phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

* Hướng tới sự phát triển bền vững

Việc đưa EVFTA vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế-thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược để đẩy mạnh quan hệ thương mại, công nghiệp, kết nối đầu tư đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững Việt Nam-EU trong thời gian tới.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển.

Theo Báo cáo mới nhất của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

  Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và gần gấp đôi so với nước xuất khẩu lớn thứ hai là Singapore.

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, lâm sản, đồ uống…), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt may, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm…).

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.

 Về đầu tư, EU hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong ASEAN, đứng trên Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU lại chỉ là đối tác FDI lớn thứ năm của Việt Nam.

Đây là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn dư địa cho sự tăng trưởng FDI từ các doanh nghiệp EU vào Việt Nam. Và EVFTA sẽ tạo ra những cơ hội lớn để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU, trong các lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ…

  Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng.

  Với EVFTA Việt Nam còn có cơ hội nhiều hơn khi tiếp cận công nghệ cao, bởi Đức và một số nước khác trong EU là những ứng cử viên đầu tàu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. EVFTA cũng tạo cơ hội thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư kinh doanh để ngày càng tiệm cận hơn với luật pháp, thông lệ quốc tế...

* Lộ trình đàm phán và những mốc thời gian chính

- Tháng 10-2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

  - Tháng 6-2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

  - Tháng 12-2015: Sau 14 phiên đàm phán, hai bên đã khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định.

   - Tháng 6-2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật.

  - Tháng 6-2018:  EVFTA được tách làm 2 hiệp định gồm: Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA

  - Tháng 10-2018: Ủy ban châu Âu chính thức thông qua hai Hiệp định này.

  - Ngày 30-6-2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và EVIPA.

  - Ngày 21-1-2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

  - Ngày 12-2-2020: Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA.

  - Ngày 30-3-2020: Hội đồng châu Âu thông qua EVFTA.

  - Ngày 8-6-2020, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA

- Ngày 1-8-2020: EVFTA chính thức có hiệu lực./.

>>> Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Chủ động tạo giấy thông hành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục