EVN tập trung cho nhân lực chất lượng cao

18:40' - 29/10/2022
BNEWS Thời gian tới, EVN tiếp tục tập trung cho người lao động nâng cao tay nghề với công nghệ mới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp được Đảng, nhà nước giao trọng trách đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ kiến thức, trình độ, năng lực, bản lĩnh và đạo đức để thực hiện nhiệm vụ luôn được tập đoàn này ưu tiên.

 

*Chú trọng nâng cao trình độ

Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, cho đến nay, tập đoàn đã cung cấp điện đạt 99,8% nhân dân cả nước từ miền núi vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Với đặc điểm ngành điện là ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ hiện đại; chu trình sản xuất khép kín từ khâu nguồn điện, truyền tải, phân phối và cuối cùng kinh doanh chăm sóc, dịch vụ tới khách hàng.

Từ đó, đòi hỏi vấn đề hệ trọng nhất của ngành điện là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi công nghệ kỹ thuật, trí tuệ, chất xám, tay nghề cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực, EVN đã triển khai nhiều chương trình hành động để phát triển nguồn nhân lực; một trong số đó là các Hội thi Thợ giỏi. Đây cũng là chương trình được tập đoàn này đặc biệt chú trọng quan tâm, tổ chức triển khai bài bản, định kỳ, cụ thể: Hội thi Thợ giỏi cấp Tập đoàn lần thứ I được tổ chức vào năm 2011 và định kỳ 3 năm tổ chức một lần trong các năm tiếp theo.

Năm 2022 Hội thi Thợ giỏi cấp EVN đã chính thức được tổ chức sau 5 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020-2021.

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thi, trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng ta đang vận hành hệ thống điện có quy mô lớn, mức độ tự động hóa cao và có sự tham gia đa dạng các thành phần, loại hình nguồn điện, tổng công suất nguồn điện đạt 78.121 MW - lớn nhất ASEAN, gần 50.000 km đường dây và 950 trạm biến áp ở các cấp điện áp 500, 220, 110kV; tự động hóa 100% trạm biến áp 110 kV, 78% trạm biến áp 220 kV điều khiển xa; tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo 27%, tích hợp phân tán ở hệ thống lưới trung, hạ áp và 110 kV. Chỉ số độ tin cậy cung cấp điện (SAID) năm 2021 còn 319 phút, tiếp tục giảm so với các năm trước.

Tuy nhiên, để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ cho người lao động, Hội thi Thợ giỏi cấp EVN hướng đến việc nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ thuật và trình độ thực hành nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các đơn vị trong Tập đoàn.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho đội ngũ lao động giỏi thể hiện trình độ lý thuyết và thực hành nghề nghiệp của mình, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị với nhau. Qua đó vinh danh những tập thể, cá nhân đã có trình độ và tay nghề giỏi.

Chị Hoàng Thị Thùy Dương – Điều độ viên, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Hà Nội (Tổng công ty Điện lực Hà Nội) nhận giải Nhất cá nhân cho hay, ngoài việc tranh tài với các bạn động nghiệp thì Hội thi cũng là cơ hội để kiểm tra trình độ bản thân, từ đó hoàn thiện hơn nữa trong nghiệp vụ của mình. 

Theo Ngô Hồng Quân đến từ Công ty Điện lực Quảng Nam (Tổng công ty Điện lực Miền Trung), tham dự Hội thi phần quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp trung, hạ thế, anh Quân cho biết, hệ thống lưới điện của ngành điện theo vùng miền khác nhau nên phần kéo lưới cũng có khác, điều này giúp cho người lao động được học hỏi thêm kiến thức chuyên môn, thực hành tay nghề và thêm kinh nghiệm trong công việc hàng ngày.  

Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, Trưởng ban Tổ chức Hội thi đánh giá, Hội thi Thợ giỏi năm 2022, các thí sinh đã tham gia các phần thi lý thuyết, vấn đáp và thực hành có chất lượng tốt hơn những kỳ thi trước. Xu thế trẻ hóa đội ngũ thợ giỏi, trong số 140 thí sinh có 49 thí sinh sinh từ 1990 đến 1996 (48 thí sinh đạt thợ giỏi).

Thí sinh đến Hội thi với trang thiết bị, bảo hộ lao động, công cụ dụng cụ tốt hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn nên mặc dù thí sinh từ các đơn vị vận hành khác nhau nhưng hòa thành một đội thi nhanh chóng và phối hợp rất tốt trong phần thi thực hành.

"Đội ngũ lao động của các đơn vị trực thuộc EVN đã có sự tiến bộ đáng kể về chất lượng, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ, thách thức mới trong sự nghiệp đảm bảo cung cấp điện với chất lượng ngày càng tốt hơn mà EVN đã đề ra", ông Nguyễn Hải Hà nói. 

*Vươn ra biển lớn  

Với mục tiêu đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững, một tổ chức có văn hoá học tập hiệu quả, nằm trong kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho EVN, Hội thi Thợ giỏi EVN chính là dịp nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ thuật và trình độ thực hành nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Từ kết quả từ hội thi Thợ giỏi năm 2022 cho thấy đội ngũ lao động của các đơn vị trực thuộc EVN đã có sự tiến bộ đáng kể về chất lượng, tính sáng tạo và chuyên nghiệp trong công việc.   

Ông Nguyễn Hải Hà cho biết, người lao động luôn có khát khao, mong muốn được trở thành những người thợ giỏi của tập đoàn, được vinh danh. Đây là điểm tích cực để tạo ra phong trào rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ, đáp ứng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Với trình độ của người lao động EVN, mỗi năm việc tổ chức thi, yêu cầu về câu hỏi, bài thi đều khó khăn hơn. Qua quá trình rèn luyện, tiếp xúc cho thấy, trình độ người lao động trong ngành điện ngày càng được nâng cao. 

"Qua cuộc thi này, có thể nhận định và tin tưởng, khi tham gia các cuộc thi tay nghề cấp ASEAN, người lao động ngành điện trong nước sẽ đạt được giải cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung cho người lao động nâng cao tay nghề với công nghệ mới, như điều khiển thiết bị bay UAV để kiểm tra đường dây...", ông Nguyễn Hải Hà chia sẻ. 

Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực của EVN đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, nguồn nhân lực của EVN đã tiếp cận được với công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến trên thế giới. Một số hình thức đào tạo mà EVN đã đẩy mạnh trong thời gian qua như: triển khai đào tạo trực tuyến E-Learning; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tổ chức các khóa đào tạo kỹ sư, cán bộ quản lý mang lại hiệu quả cao,...

Tuy nhiên, trong xu thế các công nghệ mới đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi nguồn nhân lực của EVN phải tiếp tục đổi mới, nâng cao cả về trí lực và thể lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để làm được điều đó, ông Dương Quang Thành đề nghị, các đơn vị cần chú trọng hơn nữa đến việc trân trọng, có chế độ đãi ngộ tương xứng với đóng góp của những công nhân viên giỏi, tạo điều kiện cho đội ngũ thợ giỏi phát huy hết năng lực của mình.

Đồng thời tăng cường hơn nữa trong việc phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc, đào tào đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, chuyên nghiệp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục