EVN và tỉnh Nghệ An gỡ vướng mắc dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào

11:26' - 24/05/2023
BNEWS Đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống phục vụ nhập khẩu điện từ Lào.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN cảm ơn UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ban ngành và các địa phương trong thời gian qua đã phối hợp tích cực, hỗ trợ chủ đầu tư trong triển khai dự án.

Để dự án “cán đích” đúng tiến độ, góp phần đảm bảo cung cấp điện trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Phạm Hồng Phương đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ EVN/EVNNPT tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất rừng.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, tỉnh Nghệ An sẽ tạo điều kiện tối đa trong quá trình triển khai dự án. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền huyện Quế Phong và Quỳ Châu phối hợp chặt chẽ với EVN/EVNNPT trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, nhằm đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung từ năm 2023.

Dự án được EVN giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư. Đường dây này có chiều dài 130 km, với 299 vị trí móng trụ; trong đó đoạn tuyến đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Quế Phong và Quỳ Châu) có chiều dài là 77,81 km, bao gồm 174 vị trị móng cột và 52 khoảng néo.

 

Theo kế hoạch, dự án sẽ đóng điện trong tháng 6/2023 nhưng đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Cụ thể, hiện dự án vẫn còn vướng 51 vị trí chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên; diện tích đường tạm và vệt kéo dây. Trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến nay tỉnh Nghệ An đã bàn giao mặt bằng 98/174 vị trí móng; trong đó huyện Quế Phong đã bàn giao 52/102 vị trí, huyện Quỳ Châu bàn giao 46/72 vị trí. Tuy nhiên, về hành lang tuyến, toàn tỉnh chưa bàn giao được khoảng néo nào.

Tại buổi làm việc, EVN kiến nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với phần cây trồng vượt mật độ so với chính sách của tỉnh đã ban hành và mức hỗ trợ đất trong hành lang an toàn trên địa phận huyện Quế Phong (tương tự như chính sách đã ban hành ở huyện Quỳ Châu); kiến nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ khác để các hộ dân tự cải tạo nhà sang vật liệu không cháy nhằm đảm bảo được phép tồn tại dưới hành lang theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với phần móng, EVN/EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh đưa diện tích rừng cần chuyển đổi ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho dự án.

Đồng thời, kiến nghị tỉnh xem xét báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ cho phép tác động vào rừng tự nhiên trong quá trình thi công để làm đường tạm thi công móng trụ và vệt thi công kéo dây (áp dụng tương tự như đối với đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ đã được Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 23/2/2023).

Sau khi hoàn thành thi công dự án, chủ đầu tư dự án sẽ phục hồi lại rừng trên diện tích sử dụng tạm và hoàn trả lại chủ rừng và địa phương quản lý theo quy định. 

EVN/EVNNPT cũng kiến nghị UBND huyện Quỳ Châu xem xét hỗ trợ đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường phần hành lang tuyến; UBND huyện Quế Phong chỉ đạo các phòng, ban liên quan đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường chân cột và hành lang tuyến ngay sau khi UBND tỉnh có chính sách về giá đối với phần cây trồng vượt mật độ và mức hỗ trợ đất trong hành lang an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục