EVNCPC đạt giải cao trong Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam

19:47' - 01/06/2023
BNEWS Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa có 4 công trình của đơn vị đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đơn vị vừa có 4 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022 trong tổng số 43 công trình được trao giải tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ 28 năm 2022.

Theo đó, 2 công trình của EVNCPC được trao giải Nhì là công trình "Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh phục vụ vận hành, đào tạo cho các tổ thao tác lưu động tại Tổng công ty Điện lực miền Trung" của nhóm tác giả gồm: Thạc sĩ Lê Hoàng Anh Dũng - Phó Tổng giám đốc EVNCPC cùng các Kỹ sư Trần Khắc Tuấn, Phan Thanh Dũng, Tán Quốc Bảo.

Công trình này đã nghiên cứu các giải pháp nhằm trích xuất nguồn dữ liệu vận hành lưới điện tại Trung tâm giám sát điều khiển lưới điện, xây dựng ứng dụng cài đặt trên các thiết bị điện tử cầm tay thông minh phục vụ cho đội ngũ nhân viên vận hành tại hiện trường. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả quản lý vận hành các TBA 110kV không người trực, ngăn ngừa sự cố, giảm thiểu thời gian mất điện, nâng cao sự hài lòng khách hàng sử dụng điện.

 

Giải Nhì tiếp theo là công trình "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển điện mặt trời mái nhà - SEMS" của nhóm tác giả gồm: Thạc sĩ Trần Dũng cùng các Kỹ sư Thái Thành Nam, Nguyễn Văn Lục (Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung thuộc EVNCPC).

Công trình này sử dụng hệ thống SEMS, với khả năng giám sát, điều khiển từ xa cho toàn bộ các công trình điện mặt trời mái nhà. Sau khi được triển khai rộng rãi sẽ giải quyết được vấn đề huy động công suất điện mặt trời đang thực hiện thủ công, các công nhân điện lực đỡ tốn thời gian đi đến từng vị trí để cắt giảm và khôi phục công suất phát của hệ thống điện mặt trời, tiết giảm được tối đa chi phí cho công việc cắt giảm/huy động công suất điện mặt trời.

Theo các kỹ sư của nhóm nghiên cứu, nhờ theo dõi giám sát và điều khiển từ xa nên có thể huy động tối đa sản lượng điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư và ngành điện. Với hệ thống SEMS, các công ty điện lực sẽ có công cụ giám sát, quản lý tập trung tất cả các hệ thống điện mặt trời mái nhà thuộc khu vực, từ đó tăng hiệu suất lao động, tối ưu chi phí quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh lưới điện.

Đồng thời, với ứng dụng hệ thống SEMS trên điện thoại thông minh, khách hàng là chủ công trình điện mặt trời mái nhà có thể chủ động giám sát công trình theo thời gian thực 24/24, phối hợp với công ty điện lực thống nhất lệnh điều độ, triển khai thực thi và giám sát kết quả thực thi lệnh điều độ về huy động/cắt giảm công suất nguồn điện mặt trời từ công trình của mình. Từ đó dễ dàng phát hiện kịp thời các cảnh báo lỗi từ công trình của mình để có phương án xử lý, tối ưu chi phí vận hành, nâng cao được lợi nhuận từ doanh thu bán điện.

Ngoài ra, 2 công trình của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng thuộc EVNCPC đạt giải Ba là "Nghiên cứu tính toán và phân tích các giải pháp đảm bảo an toàn cho công tác sửa chữa nóng trên lưới đang mang điện 22kV"  và công trình "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới sử dụng máy biến áp tổn hao thấp trên lưới điện thành phố Đà Nẵng để giảm phát thải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy lưới điện".

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, các công trình đoạt giải được ứng dụng thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước; kích thích sự say mê nghiên cứu khoa học và công nghệ; đồng thời vượt qua các khó khăn để đưa kết quả ứng dụng vào sản xuất, đời sống.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thường niên.

Giải thưởng nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đến nay đã có gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải trong 28 năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục