EVNICT và Kế hoạch chuyển đổi số - Bài 1: Bốn nhiệm vụ trọng tâm

09:49' - 13/07/2021
BNEWS Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu với những lợi ích đem lại cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu với những lợi ích đem lại cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh… Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không nằm ngoài xu hướng này, thể hiện ở quá trình tiếp cận và triển khai từ sớm việc xây dựng Đề án tổng thể Chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và hướng tới trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 (theo Nghị quyết 68/NQ-HĐTV và VB 850/EVN-VTCNTT trong năm 2021) cũng như một loạt các công việc đã triển khai từ năm 2020 trở về trước.

Với vai trò, nhiệm vụ là Nghiên cứu, xây dựng, triển khai, bảo trì-bảo dưỡng, vận hành các hệ thống Công nghệ thông tin, Viễn thông và Tự động hóa, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) là đơn vị thực thi rất nhiều các công việc trong đề án Chuyển đổi số này; trong đó tập trung chính vào việc xây dựng, triển khai những hạ tầng cơ sở cho công tác Chuyển đổi số chung của EVN và các đơn vị trong Tập đoàn.

Để EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, với vai trò và nhiệm vụ của mình, theo ông Phạm Ngọc Hiển – Phó Giám đốc EVNICT, Công ty  đang thực hiện các mục tiêu đặt ra bao gồm: Xây dựng, triển khai, quản trị, vận hành các hệ thống hạ tầng số đáp ứng yêu cầu cho việc chuyển đổi số của EVN và các đơn vị thành viên, với 4 nhiệm vụ trọng tâm triển khai là kho dữ liệu dùng chung; trục tích hợp và quản trị dữ liệu; môi trường điện toán đám mây EVN’s Cloud và nền tảng phát triển ứng dụng dùng chung.

Bên cạnh việc xây dựng và triển khai các ứng dụng phục vụ cho chuyển đổi số của EVN, hoàn thành chuyển dịch các hệ thống phần mềm dùng chung lên môi trường EVN’s Cloud, chuyển đổi các ứng dụng sang kiến trúc MicroService và kiến trúc SOA (kiến trúc hướng dịch vụ), trong thời gian tới, EVNICT sẽ tập trung vào việc nâng cấp 9 hệ thống phần mềm dùng chung để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong Tập đoàn nói riêng và EVN nói chung trong bối cảnh mới.

Cụ thể 9 hệ thống phần mềm dùng chung gồm ERP (Hoạch địch tài nguyên doanh nghiệp), CMIS (Quản lý khách hàng dùng điện), IMIS (Quản lý Đầu tư xây dựng), PMIS (Quản lý kỹ thuật nguồn – lưới điện), HRMS (Quản lý nguồn nhân lực), Digital Office (Văn phòng số), Smart EVN (Ứng dụng cho người lao động), Báo cáo Quản trị điều hành (BI), EVNHES (Đọc dữ liệu đo đếm từ xa).

Việc nâng cấp các hệ thống phần mềm sẽ được EVNICT tập trung vào vấn đề số hóa, liên thông các quy trình nghiệp vụ chính trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và điều hành quản trị của EVN gồm Kỹ thuật sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng, Đầu tư xây dựng, Tài chính và Quản trị nội bộ; áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết các bài toán nghiệp vụ và điều hành ví dụ như: Business Intelligent, AI, Datawarehouse cho lưu trữ, phân tích dữ liệu, Mobile cho các ứng dụng hiện trường, Hợp đồng, hồ sơ giấy tờ điện tử áp dụng chữ kí số…

Mặt khác, EVNICT còn nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng các giải pháp Service Desk trong hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tiếp nhận chuyển giao vận hành hệ thống SOC (Trung tâm điều hành An ninh mạng).

Trong Kế hoạch Chuyển đổi số trong EVNICT lộ trình 2021-2022 tính đến năm 2025 cũng xác định: Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin. Từ đó xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động trong EVNICT.

Cùng với việc xây dựng các chính sách chuyển đổi số, sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm ý tưởng, công nghệ mới một cách có kiểm soát, EVNICT cũng hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm đổi mới sáng tạo, làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng.

Kế hoạch Chuyển đổi số của EVNICT được sử dụng kết hợp giữa 2 mô hình TOGAF (The Open Group Architecture Framework - Khung xây dựng Kiến trúc tổng thể) và DMM (Digital Maturity Model – Mô hình trưởng thành số), tuy nhiên sẽ tập trung theo mô hình DMM; trong đó TOGAF cho phép định hình mô hình hoạt động, quy trình sản xuất, vận hành, tổ chức thực hiện của EVN còn DMM cho phép vạch chiến lược, những việc cần làm để đạt được mức độ trưởng thành số như mong muốn cho EVNICT để đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ của EVN giao và của nội bộ EVNICT.

Với vai trò, nhiệm vụ chính của EVNICT là Nghiên cứu, xây dựng, triển khai, bảo trì-bảo dưỡng, vận hành các hệ thống Công nghệ thông tin, Viễn thông và Tự động hóa, EVNICT sẽ thay đổi quy trình sản xuất, triển khai, quản trị, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng để tối ưu hóa hiệu suất, chi phí, năng lực hệ thống, nâng cao năng suất lao động.

EVNICT cũng thay đổi phương pháp, cách thức, quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhằm tiếp cận phù hợp yêu cầu của EVN và các đơn vị, đảm bảo tối đa chất lượng cung cấp dịch vụ. Đồng thời thiết lập phương pháp, cách thức, tiêu chí đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ, nhằm đo lường, đánh giá và cải tiến thường xuyên chính sách, mô hình cung cấp dịch vụ sản phẩm của EVNICT. Đặc biệt, đảm bảo và nâng cao an ninh thông tin theo yêu cầu của EVN ở mức độ cao nhất.

Theo đó, Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2022, EVNICT sẽ hoàn thành xây dựng, triển khai 4 hạ tầng số và 2 nhiệm vụ về hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng ở mức cơ bản. Một số hệ thống PMDC  (Phần mềm dùng chung) như IMIS, Digital Office, CMIS, Smart EVN… sẽ hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp, triển khai nhân rộng.

Giai đoạn 2023-2025, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thành nâng cấp các hệ thống PMDC còn lại, dịch chuyển các hệ thống PMDC lên môi trường Cloud; hoàn thiện các kho cơ sở dữ liệu dùng chung phát huy tối đa năng lực khai thác.

Đánh giá của lãnh đạo EVNCIT cho thấy, những kết quả đạt được của các nhiệm vụ trên sẽ là tiền đề nền tảng cho công cuộc Chuyển đổi số của EVN cũng như các đơn vị giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo./.

Xem thêm:

>>Bài 2: Nhiều hệ thống phần mềm đang phát huy hiệu quả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục