Eximbank bổ sung nhân sự hội đồng quản trị

16:02' - 27/04/2018
BNEWS Ngày 27/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Một trong những nội dung được quan tâm là vấn đề bầu bổ sung nhân sự hội đồng quản trị. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận 1 người trong số 4 ứng viên được đề cử để bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị Eximbank, là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamABank); đồng thời cổ đông Eximbank cũng biểu quyết thông qua.

Mặt khác, tại Đại hội, Ban điều hành Eximbank cũng báo cáo cổ đông về hai vụ khiếu nại lớn chưa được xử lý là vụ mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình và 50 tỷ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cả hai vụ việc trên xảy ra trong giai đoạn năm 2010 và năm 2013, nhưng kéo dài đến nay với tính chất vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, Ban điều hành Eximbank thừa nhận và có trách nhiệm giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng và bảo vệ uy tín của ngân hàng.

Còn liên quan đến tiến độ thực hiện dự án tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Tp. Hồ Chí Minh (trụ sở chính của ngân hàng), theo tư vấn của Công ty Savills Việt Nam, Eximbank đã rà soát dự án và chọn phương án đầu tư tòa tháp văn phòng 40 tầng. Còn hình thức đầu tư, Eximbank chỉ góp vốn là giá trị đất và không góp tiền.

Với mục tiêu lựa chọn đối tác tốt nhất, Eximbank đã ký kết hợp đồng dịch vụ thuê Savills Việt Nam tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án. Hiện đã có 16 nhà đầu tư lớn của Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến dự án. Công ty Savills đang tích cực thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất cho Eximbank và thời hạn đưa ra kết quả tư vấn là trong năm 2018.

Trong năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu kế hoạch tổng tài sản tăng 19%, huy động vốn tăng 26% và dư nợ cấp tín dụng tăng 12% (theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước thông báo và sẽ xin điều chỉnh tăng trong điều kiện kinh doanh thuận lợi). Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 57% so với năm vừa qua. Nếu lợi nhuận trước thuế đạt như kỳ vọng, thì có khoản lợi nhuận giữ lại khoảng 1.300 tỷ đồng.

Theo đề án tái cấu trúc, phải đến năm 2020 mới đưa Eximbank trở lại hoạt động như trước đây. Ngân hàng phấn đấu đưa được nợ xấu xuống dưới 3%, năm 2018 đưa nợ xấu bán cho VAMC xuống 2.400 tỷ đồng; năm 2019 đưa xuống 1.000 tỷ đồng và năm 2020 sạch nợ xấu bán cho VAMC.

Đại diện Eximbank cho biết, đã tiến hành thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB từ ngày 29/11/2017 đến 19/1/2018 theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), với giá bán bình quân là 14.064 đồng/cổ phần.

Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2017 của Eximbank đạt tổng tài sản tăng trưởng 16%; huy động vốn tăng 14,8%; tổng dư nợ tín dụng tăng 14,6% (không bao gồm trái phiếu VAMC), tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,27%. Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng là 1.009 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.018 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 817,2 tỷ đồng.

Với kết quả của năm 2017, Hội đồng quản trị Eximbank trình cổ đông thông qua việc dùng phần lớn lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế và không chia cổ tức.

Cụ thể, lỗ lũy kế trên Báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2014 là 834,5 tỷ đồng, đã được bù đắp từ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ qua các năm, gồm: năm 2015 là 22 tỷ đồng, năm 2016 (242,8 tỷ đồng) và năm 2017 (483 tỷ đồng); từ các khoản điều chỉnh khác là 86,6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, Eximbank đã xử lý hết lỗ lũy kế./.

>>> Hose đưa cổ phiếu Eximbank ra khỏi diện cảnh báo

>>> Eximbank bổ sung quy định đăng ký xác thực bằng vân tay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục