F0 có nên kiêng tắm gội không?

12:03' - 03/03/2022
BNEWS Nhiều người cho rằng không nên tắm, gội đầu khi đang mắc COVID-19, vì sẽ làm bệnh quật nặng hơn và lâu khỏi. Thực hư điều này thế nào, liệu F0 có được tắm gội hay không?

Hiện số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt, người bệnh mắc COVIDd-19 "ngập" giữa nhiều luồng thông tin không chính thống về cách chăm sóc, điều trị COVID-19.

Trong đó, nhiều người chia sẻ thông tin "không nên tắm, gội đầu" vì nhiều lý do như làm bệnh "quật" nặng hơn, nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh), cơ thể đang bệnh dễ cảm nhiễm ngoại tà...

Theo quan niệm của y học cổ truyền nếu khi bị ốm hoặc cảm xông hơi là cần thiết nhưng tắm thì lại phải kiêng. Quan niệm tắm khi bị ốm trong y học cổ truyền lại trái ngược với xông hơi.

Điều này được luận giải như sau: Khi tắm nước nóng làm giãn lỗ chân lông từ đó gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập... Nhiều tấm gương về việc tắm gây cảm hàn, tử vong. Từ đó sinh ra quan niệm "người ốm phải kiêng nước" còn tồn tại dai dẳng tới nay.

Điều đó cũng có cơ sở khoa học là trước đây chưa có điều kiện phòng vệ sinh sạch sẽ kín gió như bây giờ, nên người ốm mà tắm là rất nguy hiểm. Một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém, khi tắm nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm nặng thêm bệnh, thậm chí là tử vong.

Vì thế khi đang mắc bệnh không nên tắm nước quá lạnh để "rèn luyện cơ thể", hoặc tắm quá nóng để "diệt mầm bệnh". Rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, tắm rửa giúp da cơ thể luôn thông thoáng, thoải mái, cải thiện lưu thông máu và cải thiện tinh thần. Vì vậy, không chỉ người khỏe mạnh mà các bệnh nhân COVID-19 vẫn cần tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ.

Người bệnh nên tắm cách ngày một lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm trong 5 - 10 phút, giúp sảng khoái, hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe.

Ngoài ra, người bệnh khi tắm cần lưu ý cần tắm nơi kín gió, tắm bằng nước ấm, tránh sử dụng nước lạnh. Sau tắm, người bệnh nên lau người thật khô kết hợp với sấy tóc nếu vừa gội đầu.

Đặc biệt, chuyên gia cũng lưu ý, F0 không nên tắm khi đang sốt, và chỉ tắm trong khoảng thời gian từ sáng sớm hoặc buổi chiều, tránh tắm đêm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trước mổ cần được tắm và sát trùng toàn thân sẽ giảm nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức nếu được lau rửa toàn thân bằng dung dịch sát khuẩn, thay quần áo, thay ga giường thường xuyên sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm số ngày này phòng ICU (Khu chăm sóc tích cực).

Tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.

Đế tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim gan thận nặng không được tắm. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.

TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện- đang tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà cho biết, người bệnh nên tắm bằng nước ấm. Thời gian tắm gội không nên quá lâu, người bệnh nên tắm vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm, tránh tắm lúc đang sốt. “Vệ sinh sạch sẽ chính là cách tốt để phòng Covid”, TS.BS Dương Văn Trung nói./.

>>> F0 nên tắm gội thời gian nào?

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục