F0 nên tắm gội thời gian nào?

09:57' - 10/03/2022
BNEWS Theo các chuyên gia, người mắc COVID-19 không nên kiêng tắm gội mà có thể tắm bằng nước ấm vào ban ngày để làm co thể sạch sẽ và thoải mái.

Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.

F0 nên tắm gội thời điểm nào trong ngày?

Đế tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim gan thận nặng không được tắm. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.

Với người mắc COVID-19 nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người, sẽ thấy sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe.

Không gội đầu vào thời gian quá muộn. Không nên gội và tắm cùng lúc. Việc gội đầu trước khi tắm khiến cơ thể chưa kịp thích ứng với nhiệt độ nước nhất là khi trời lạnh. Khi đó mạch máu dễ đông lại, co thành mạch khiến cơ thể mệt mỏi.

Không nên gội đầu bằng nước nóng quá khiến da đầu dễ bong tróc tạo thành vảy gầu. Ngoài ra, gội nước nóng khiến tóc khô, xơ và dễ gãy. Còn gội nước lạnh sẽ làm thành mạch máu co lại đột ngột dễ cảm lạnh.

Uống một ly nước ấm trước khi tắm gội để đảm bảo cơ thể không mất nước. Vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh thân thể giúp F0 mau hồi phục, kiêng khem thái quá sẽ rước thêm bệnh.

F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm

Nhiều người cho rằng "không nên tắm gội", vệ sinh thân thể vì nhiều lý do như làm bệnh nặng hơn, nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh), cơ thể đang bệnh dễ cảm nhiễm ngoại tà... Tuy nhiên, quan niệm này chưa phù hợp cả về khoa học và lý luận học cổ truyền.

Trong giai đoạn bệnh toàn phát, người bệnh cần phải chú trọng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống dinh dưỡng, không vận động quá mạnh, có thời gian dưỡng bệnh và phục hồi.

Phải chú trọng vấn đề vệ sinh thân thể. Người bệnh có thể vệ sinh thân thể với nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Gội đầu với nước ấm. Sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt, đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn. Thời gian tắm gội không nên quá lâu (chia tắm và gội vào thời gian riêng), vệ sinh vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm./.

>>> F0 không nên tắm gội khi nào?

>>> F0 có nên kiêng tắm gội không?

>>> Ăn gì bổ phổi hậu COVID-19?

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục