Facebook, Google đầu tư ba dự án cáp ngầm tại Indonesia

21:40' - 03/09/2021
BNEWS Facebook và Google đã công bố ba dự án cáp dữ liệu quốc tế dưới biển nhằm tăng cường dung lượng kết nối Internet giữa Indonesia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Bắc Mỹ.

Hồi tháng Ba, hai hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ là Facebook và Google đã công bố ba dự án cáp dữ liệu quốc tế dưới biển nhằm tăng cường dung lượng kết nối Internet giữa Indonesia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Bắc Mỹ.

Theo kế hoạch, ba dự án cáp ngầm Echo, Bifrost và Apricot (SKKL) - với tổng chiều dài 43.000 km và các trạm mặt đất đặt tại Manado, tỉnh Bắc Sulawesi, và Batam, tỉnh Quần đảo Riau - sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2024.

Ngày 28/3, Facebook, vốn coi Indonesia là một trong số 5 thị trường hàng đầu của mình, đã công bố kế hoạch xây dựng hai tuyến cáp ngầm Echo và Bifrost để kết nối Singapore với Mỹ, với các nhánh rẽ nối Indonesia, Philippines và Guam. Một ngày sau, Google đã công bố tham gia dự án Echo.

Tiếp đó vào ngày 15/8, hai gã khổng lồ công nghệ này cho biết sẽ phát triển tuyến cáp biển Apricot để kết nối Singapore, Nhật Bản, Guam, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Indonesia.

Giám đốc kỹ thuật của Facebook, ông Nico Roehrich, cho biết: “Tuyến cáp Apricot là một phần trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu và phục vụ tốt hơn cho hơn 3,5 tỷ người trên khắp thế giới đang sử dụng dịch vụ của Facebook hàng tháng”. Google và Facebook từ chối cung cấp thông tin cập nhật về dự án này.

Hiện Facebook đã mời hai công ty viễn thông hàng đầu của Indonesia là PT XL Axiata để giúp phát triển tuyến cáp Echo dự kiến hoàn thành vào năm 2023, và PT Telekomunikasi Indonesia (Telkom) với tuyến cáp Bifrost dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Nếu hoàn thành đúng tiến độ, Echo và Bifrost sẽ là tuyến cáp ngầm thứ hai và thứ ba kết nối trực tiếp Indonesia với Mỹ, sau tuyến cáp Đông Nam Á-Mỹ (SEA-US) được đưa vào hoạt động từ năm 2017.

XL đã bắt đầu phát triển các trạm mặt đất của tuyến cáp Echo tại bãi biển Karawang, tỉnh Tây Java, trong khi Telkom - thông qua công ty con PT Telekomunikasi Indonesia International (Telin) - đang chuẩn bị tiến hành khảo sát cho tuyến cáp Bifrost.

Tổng giám đốc truyền thông công ty XL Axiata, ông Tri Wahyuningsih Harlianti, cho hay: “Dự án này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào các mạng internet và dữ liệu toàn cầu, vốn mới chỉ có ở Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa và miền Đông Indonesia”. Phần lớn các tuyến cáp ngầm quốc tế kết nối với các khu vực phía Tây của Indonesia.

Hiện chưa rõ đối tác Indonesia trong dự án Apricot. Theo quy định của Luật Viễn thông năm 1999 và Đạo luật tạo việc làm năm 2020, các nhà phát triển dự án cần phải xin giấy phép từ nhiều cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Biển và Nghề cá, Bộ Đầu tư, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng.

Người phát ngôn Bộ Biển và Nghề cá, ông Doni Ismanto, xác nhận rằng Bộ này đã cấp phép sử dụng không gian biển (KKPRL) cho dự án Echo và vẫn đang chờ các đơn đăng ký của dự án Apricot và Bifrost.

Theo ông Ismanto, hoạt động của các tuyến cáp ngầm này sẽ giúp tăng thu ngân sách, bảo mật dữ liệu, cải thiện tốc độ truy cập internet và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Indonesia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục