Facebook tích hợp thêm 10 ngôn ngữ châu Phi nhằm ngăn nạn tin giả

18:18' - 16/08/2019
BNEWS Ngày 15/8, Facebook thông báo sẽ tích hợp thêm 10 ngôn ngữ châu Phi vào mạng xã hội này nhằm ngăn chặn nạn tin giả hiện đang chia sẻ tràn lan tại nhiều quốc gia của “Lục địa Đen”.
Biểu tượng Facebook. Ảnh: EPA/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, đây là dự án phối hợp giữa Facebook và African Check, công ty chuyên xác thực thông tin có trụ sở tại Johannesburg, Nam Phi và là một phần của chương trình xác thực thông tin trên mạng xã hội mà Facebook bắt đầu triển khai từ năm 2018.

Trong một thông báo, mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết 10 ngôn ngữ dự kiến sẽ được đưa vào dự án xác thực thông tin bao gồm những ngôn ngữ có số lượng người sử dụng lớn như tiếng Afrikaans tại Nam Phi, tiếng Swahili tại Kenya, tiếng Yoruba tại Nigeria và Wolof tại Senegal.

Theo Giám đốc điều hành African Check Noko Makgato, dự án tích hợp thêm ngôn ngữ châu Phi vào Facebook nhằm đảm bảo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội này sẽ được kiểm duyệt nội dung nhằm giảm thiểu những tin giả mạo.

Theo kế hoạch, đội ngũ chuyên gia của African Check sẽ kiểm duyệt nội dung video, hình ảnh và tin văn bản mang nhiều dấu hiệu của tin giả.

Trong khi đó, Facebook cho biết đồng thời sẽ dùng thuật toán để giảm tỷ lệ hiển thị của tin giả mạo và ưu tiên các bài viết chống lại nội dung đó.

Trong những tình huống thông tin giả mạo có thể dẫn đến bạo lực trên thế giới thực thì Facebook sẽ gỡ xuống.

Trên thực tế, tình trạng sai lệch thông tin trên Facebook xảy ra một phần do cơ chế hiển thị tin. Nội dung nào càng được chia sẻ và bình luận nhiều thì càng được ưu tiên hiển thị trên News Feed.

Do đó, các tin giả mạo, câu khách, mang tính giật gân có khả năng lan truyền nhanh và rộng hơn so với nội dung thông thường mà người dùng chia sẻ.

Trước đó, hồi tháng 6/2019, hãng nghiên cứu thị trường Ipsos có trụ sở tại Pháp đã công bố kết quả khảo sát về niềm tin và sự an toàn trên Internet với sự tham gia của hơn 25.000 người tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy 86% những người được hỏi khẳng định họ từng ít nhất một lần bị đánh lừa bởi tin giả mạo.

Facebook là nguồn phát tán tin giả phổ biến nhất với 77% số người được khảo sát cho rằng đã bắt gặp tin giả xuất hiện trên mạng xã hội này, tiếp đến là Twitter với 62%.

Khoảng 9% người dùng Facebook cho biết đã đóng tài khoản trong năm qua vì những hậu quả của tin giả.

Khảo sát cũng cảnh báo về sự giảm sút niềm tin của người dùng Internet cho các công ty quản lý mạng xã hội, đồng thời mong muốn chính phủ cũng như các công ty quản lý mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng tin giả tràn lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục