Facebook tìm cách sáng tạo Messenger để chống dịch COVID-19

17:45' - 23/03/2020
BNEWS Hiện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Bộ Y tế Pakistan đã sử dụng ứng dụng Messenger để thông tin cho người dân nước này về tình hình dịch bệnh COVID-19.

Kể từ ngày 23/3, Facebook bắt đầu tuyển dụng các nhà phát triển nhằm tạo ra những phương thức để ứng dụng Messenger của mạng xã hội này có thể góp phần hỗ trợ các tổ chức y tế trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. 

Phó giám đốc của Messenger, ông Stan Chudnovsky cho biết Facebook cũng đã mời các chuyên gia phần mềm tham dự ngày hội phần mềm trực tuyến "hackathon" (còn gọi là ngày hack) nhằm sáng tạo ra những cách thức sử dụng Messenger để giúp thu hẹp khoảng cách xã hội và cung cấp những thông tin chính xác về dịch COVID-19. 

Ông Chudnovsky cũng công bố một chương trình toàn cầu được thiết lập với mục đích kết nối các tổ chức y tế của các quốc gia và các cơ quan Liên hợp quốc với những nhà phát triển phần mềm, là những đơn vị, cơ quan có khả năng đưa ra những biện pháp giúp Messenger chia sẻ các thông tin chính xác và nhanh chóng giải đáp nghi vấn của của người sử dụng.

Cụ thể, các nhà sản xuất phần mềm có thể hỗ trợ các cơ quan xây dựng các phần mềm có thể tự động trả lời các câu hỏi thường gặp, qua đó cho phép đội ngũ nhân viên của các cơ quan này có thêm thời gian để tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.

Ngoài ra, các nhà phát triển còn có thể giúp cho các tổ chức sử dụng phần mềm được cập nhật thông tin một cách nhanh chóng.

Hiện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Bộ Y tế Pakistan đã sử dụng ứng dụng Messenger để thông tin cho người dân nước này về tình hình dịch bệnh COVID-19.

Một dịch vụ nhắn tin khác sử dụng nền tảng Facebook là WhatsApp cũng mới đưa vào sử dụng tính năng cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có tên là Coronavirus Information Hub (Cổng thông tin về virus corona) để giải đáp các câu hỏi liên quan đến SARS-CoV-2.

Hiện WhatsApp sử dụng tiếng Anh và dự kiến sẽ sớm được tích hợp các ngôn ngữ khác như tiếng Arab và các ngôn ngữ Trung, Pháp, Nga và Tây Ban Nha.

Dịch vụ tin nhắn với hơn 1 tỷ người sử dụng này cũng ủng hộ liên minh Mạng lưới xác minh dữ liệu quốc tế (IFCN) 1 triệu USD nhằm phát hiện các thông tin sai lệch về COVID-19 lan truyền trên các dịch vụ nhắn tin.

Tuy nhiên, hiện có nhiều lo ngại về nguy cơ WhatsApp và các dịch vụ nhắn tin khác bị lợi dụng để lan truyền các thông tin thất thiệt về COVID-19. Lâu này, phần mềm WhatsApp chặn người sử dụng cùng lúc gửi vô số tin nhắn tới nhiều địa chỉ khác nhau vốn được xem là hoạt động phát tán tin rác./.

>>>Facebook giảm nghẽn mạng tại châu Âu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục