FAO: Phương pháp sản xuất lương thực hiện tại làm tổn hại hành tinh

14:38' - 04/04/2018
BNEWS Các phương pháp sản xuất lương thực hiện tại đang làm tổn hại hành tinh trong khi vẫn không cung cấp đủ lương thực cho hàng triệu người nghèo trên thế giới.

Đây là cảnh báo của Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) đưa ra ngày 3/4 nhằm kêu gọi thế giới áp dụng các biện pháp sinh thái học nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về sinh thái học nông nghiệp lần thứ 2 tại Rome, Italy, Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nêu rõ các biện pháp sinh thái học nông nghiệp giúp cải thiện chất lượng đất và giảm chi phí cho nông dân sẽ có thể đảo ngược tình trạng bất ổn về an ninh lương thực đang gia tăng hiện nay.

Ông da Silva nhấn mạnh cần thúc đẩy các hệ thống sản xuất lương thực thực phẩm bền vững cung cấp thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng đồng thời bảo vệ môi trường.

Theo ông da Silva, các quy trình phụ thuộc vào hóa chất được áp dụng trong sản xuất thực phẩm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 đã giúp gia tăng sản lương song cũng gây tổn hại rất lớn đối với hành tinh. Theo ông, đất đai, rừng, nước, chất lượng không khí, và hệ sinh thái tiếp tục bị tổn hại trong khi hoạt động sản xuất bất chấp hậu quả vẫn không thể xóa bỏ hoàn toàn nạn đói trên thế giới.

Báo cáo về khủng hoảng lương thực năm 2018 của FAO cho thấy 124 triệu người tại 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao, tăng 16 triệu người so với năm 2016.

Theo thống kê hồi tháng 2 vừa qua, tại châu Phi có 224 triệu người bị suy dinh dưỡng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xung đột làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở "Lục địa đen".

Sinh thái học nông nghiệp nhằm xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái, trong đó người sản xuất không chỉ quan tâm đến việc đạt năng suất cao mà còn quan tâm ngày càng nhiều hơn đến một nền nông nghiệp có tính bền vững, trong đó kết hợp hài hòa những ưu điểm của hai nền nông nghiệp hóa học và hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không gây hại các nhu cầu của thế hệ tương lai.

Khoảng 30 nước đã thông qua các khung pháp lý hoặc quy định để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sinh thái./.

>>>FAO: Giá lương thực toàn cầu tháng 1 ổn định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục