FAO: Tìm kiếm thực phẩm trong hoảng loạn có thể khiến lạm phát tăng cao

20:44' - 22/03/2020
BNEWS Nếu người tiêu dùng lo sợ sẽ không thể đặt mua lúa mỳ hoặc gạo vào tháng 5, 6 tới, họ sẽ mua số lượng lớn tại thời điểm này. Điều đó tạo ra cuộc khủng hoảng cung cấp lương thực trên quy mô toàn cầu. 

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Abdolreza Abbassian, cùng một số chuyên gia về nông nghiệp khác, đã lên tiếng cảnh báo tình trạng đóng cửa biên giới và đổ xô đi mua hàng hoá tại một số quốc gia có thể khiến giá thực phẩm thế giới tăng cao, bất chấp việc nguồn cung ngũ cốc và các loại hạt dầu có dồi dào ở một số nơi xuất khẩu chính.

Với hơn 270.000 ca nhiễm và hơn 11.000 ca tử vong, dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Những tác động của nó thậm chí còn được so sánh với các thời kỳ như Thế chiến thứ hai và đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Các quốc gia giàu có nhất thế giới đã rót những khoản viện trợ lớn chưa từng có vào nền kinh tế toàn cầu sau khi các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu lan rộng trên khắp châu Âu và Mỹ, với số ca tử vong ở Italy giờ đây đã vượt xa tại Trung Quốc đại lục.

Theo chuyên gia Abdolreza Abbassian, cuộc khủng hoảng lương thực được tạo ra từ sự hoảng loạn của người dân khi họ đổ xô đi mua sắm thực phẩm từ những nhà nhập khẩu lớn, hoặc từ chính phủ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, chuyên gia này cho hay vấn đề không phải nằm ở phía nguồn cung có đủ hay không, mà là ở sự thay đổi hành vi tiêu dùng.

Nếu người tiêu dùng lo sợ rằng họ sẽ không thể đặt mua lúa mỳ hoặc gạo vào tháng Năm hoặc tháng Sáu tới, họ sẽ đẩy mạnh mua vào với số lượng lớn tại thời điểm này. Điều đó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng cung cấp lương thực trên quy mô toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, người tiêu dùng trên khắp thế giới từ Singapore (Xin-ga-po) đến Mỹ, đã xếp hàng dài tại các siêu thị để mua dự trữ các mặt hàng từ gạo và nước rửa tay cho đến giấy vệ sinh.

Ngay lập tức, giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago đã tăng hơn 6% trong tuần qua - mức tăng theo tuần lớn nhất được ghi nhận trong chín tháng, còn khi giá gạo ở Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.

Tại châu Âu, ngành công nghiệp ngũ cốc của Pháp cũng đang “đảo điên” tìm kiếm các phương tiện và nguồn nhân lực để đáp ứng khối lượng lớn đơn hàng đặt mua mỳ ống, bột mỳ và lúa mỳ trong nội địa và xuất khẩu.

Trong khi đó, các hạn chế biên giới do một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt để đối phó với dịch COVID-19 cũng đang làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm, mặc dù một thông tin tích cực là dự trữ lúa mỳ toàn cầu vào thời điểm tháng Sáu tới được dự đoán là sẽ tăng lên 287,14 triệu tấn, từ mức 277,57 triệu tấn một năm trước, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Cùng với đó, dự trữ gạo của thế giới cũng được ước tính ở mức 182,3 triệu tấn so với 175,3 triệu tấn của năm 2019.

Ole Houe, Giám đốc tư vấn mảng dịch vụ của công ty môi giới hàng hóa IKON, cho biết: "Hiện có khoảng 140 triệu tấn ngô đang được dự trữ để phục vụ hoạt động sản xuất nhiên liệu ethanol của Mỹ và một số trong đó có thể được sử dụng làm thực phẩm, bởi trong thời điểm giá dầu đang lao dốc không phanh, sản xuất nhiên liệu không phải là một ưu tiên”. Chuyên gia này nói: “Vấn đề là thực phẩm phải được cung cấp đúng lúc và đúng chỗ".

Đối với vấn đề nguồn cung, sự không chắc chắn của thị trường cũng đang bủa vây các nhà sản xuất. Nhà quản lý của một công ty bột mỳ của Singapore, có hoạt động trên khắp khu vực Đông Nam Á, cho biết: "Chúng tôi hiện không chắc chắn về nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn tháng Sáu và tháng Bảy tới. Hoạt động kinh doanh của các nhà hàng đang đi xuống. Hậu quả là nhu cầu tiêu thụ trong thời điểm hiện tại khá yếu”. 

Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu dầu ở khu vực Trung Đông, cũng là những nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn, có thể sẽ cảm thấy tác động của việc nguồn tài chính đang thâm hụt khi giá dầu thô đã giảm tới hơn 60% trong năm nay.

"Khả năng mua ngũ cốc của các nhà xuất khẩu dầu đã giảm do giá dầu lao dốc và tiền tệ mất giá", chuyên gia Abbassian của FAO cho biết. Do đó, các chính phủ sẽ có ít khoảng trống để thực hiện những chính sách thúc đẩy kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục