FAO và WFP cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực tiếp tục trầm trọng

14:40' - 09/06/2022
BNEWS Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa ở 20 quốc gia.

Báo cáo chung có tên "Các điểm nóng về nạn đói: Cảnh báo sớm của FAO-WFP về nguy cơ mất an ninh lương thực giai đoạn tháng 6 - tháng 9/2022", cho biết tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đang trầm trọng hơn trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, Yemen, Afghanistan và Somalia.

Báo cáo chỉ ra điểm chung của các nước nằm trong danh sách có mức cảnh báo nguy cơ nhất, đó là đều có bộ phận dân số được xác định hoặc dự báo có nguy cơ trải qua nạn đói hoặc tử vong,... và cần có sự quan tâm khẩn cấp.

Báo cáo lấy Ethiopia là ví dụ điển hình là nước cần có được cứu trợ khẩn cấp. Cụ thể, trong năm 2021, có khoảng 401.000 người được dự báo đối mặt với điều kiện thảm khốc ở vùng Tigray, phía Bắc của Ethiopia vào năm 2021, song tính đến tháng 3/2022,  chỉ có 10% số người nhận được sự trợ giúp cần thiết.

Điều quan trọng những nước nằm trong danh sách có nguy cơ cao về mất an ninh lương thực là những nước thường xuyên đối mặt xung đột, bạo lực.

Theo báo cáo, cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm trầm trọng thêm vấn nạn nghèo đói vì nước này là nhà cung cấp thực phẩm lớn trên toàn cầu và sự gián đoạn nguồn cung hiện tại đang làm trầm trọng thêm tình trạng giá thực phẩm leo thang, khiến việc tiếp cận thực phẩm khó khăn hơn và dẫn đến tình trạng thiếu thốn cục bộ.

Ngoài các thảm họa do con người gây ra, báo cáo nhấn mạnh rằng thiên tai như hạn hán, bão lũ đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng mất an ninh lương thực ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Hiện tượng La Nina tái diễn kể từ cuối năm 2020 đã ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp, gây ra thiệt hại về cây trồng và vật nuôi ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Afghanistan và Đông Phi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục