Fed hạ lãi suất - Bài 1: Kinh tế Mỹ đã đạt "độ chín"?

05:30' - 21/09/2024
BNEWS Fed hạ lãi suất vào thời điểm nhạy cảm về chính trị, vì còn chưa đầy 7 tuần nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc bầu cử mà kinh tế là vấn đề rất quan trọng đối với cử tri.
   

Theo tờ New York Times ngày 18/9, sau hơn một năm chờ đợi, hy vọng và cam kết với người dân Mỹ rằng nền kinh tế có thể đạt được kịch bản "hạ cánh mềm", Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris dường như đang sắp chứng kiến điều đó xảy ra, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ “miễn nhiễm” với động thái này từ phía Mỹ.

Lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ, mặc dù mức tăng của việc làm đang chậm lại, chi phí thế chấp đang giảm và Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 4,75%-5,00%. Lãi suất cơ bản ảnh hưởng tới lãi suất vay mua nhà, xe hơi, thẻ tín dụng...

Không tính những lần giảm lãi suất khẩn cấp trong thời đại dịch COVID-19, đây là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất lên đến 50 điểm cơ bản kể từ năm 2008 - thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những diễn biến này có làm thay đổi đáng kể nhận thức tiêu cực của cử tri về nền kinh tế trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới hay không.

Theo đài NPR, ngoài lần giảm lãi suất mới nhất này, giới chức Fed dự trù sẽ hạ tiếp 50 điểm cơ bản vào khoảng cuối năm nay, và 100 điểm cơ bản vào năm sau, nhanh hơn nhiều so với dự đoán cách đây ba tháng. Quyết định giảm lãi suất ngày 18/9 là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed suốt hai năm rưỡi qua. Tháng 3/2022, Fed bắt đầu tăng lãi suất quyết liệt để kiềm chế lạm phát và kiểm soát vật giá. Tới mùa Hè năm nay, lãi suất cơ bản đã lên tới 5,25%-5,50%, mức cao nhất trong vòng 23 năm.     

Lần giảm lãi suất mới nhất này diễn ra trong bối cảnh lạm phát giảm mạnh, còn 2,5% vào tháng trước, thấp hơn nhiều so với kỷ lục 9,1% hồi tháng 6/2022.  Trong khi đó, việc làm tăng trưởng chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp nhích lên 4,2%, khiến giới chức Fed lo ngại lãi suất cao có thể khiến nền kinh tế đình trệ. Mặc dù lãi suất giảm có lợi cho người đi vay và có thể giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nhưng người gửi tiền tiết kiệm sẽ thiệt thòi vì tiền lãi có lẽ cũng giảm.

 

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, tháng trước nhấn mạnh: “Đã tới lúc điều chỉnh chính sách”. Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi suất sắp tới hiện vẫn chưa chắc chắn. Hôm 18/9, bà Michelle Bowman, thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, muốn tiến hành cẩn trọng hơn khi đề nghị chỉ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Các thành viên ủy ban đang bất đồng về việc lãi suất cần giảm bao nhiêu trong năm 2025.     

Những tuần gần đây đã mang lại một loạt dữ liệu tốt về giá tiêu dùng và lãi suất cho chính phủ. Giá xăng đã giảm xuống dưới 3 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,785 lít) ở hầu hết các bang miền Nam và Trung Tây và đang tiến gần đến mức thấp nhất của ba năm trên toàn quốc. Giá thực phẩm tăng chậm lại, và lãi suất thế chấp đã giảm 100 điểm cơ bản từ mức đỉnh gần đây.

Cục Thống kê Dân số Mỹ đã báo cáo vào tuần trước rằng, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, thu nhập hộ gia đình điển hình đã tăng nhanh hơn giá cả vào năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát chung đã trở về gần mức bình thường trong lịch sử. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền thừa nhận rằng những thành quả đó đến muộn hơn nhiều tháng so với mong đợi và có thể diễn ra quá gần ngày bầu cử để có thể xua tan mối lo ngại lâu nay của cử tri về lạm phát dưới thời chính quyền Biden-Harris. 

Fed hạ lãi suất vào thời điểm nhạy cảm về chính trị, vì còn chưa đầy 7 tuần nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc bầu cử mà kinh tế là vấn đề rất quan trọng đối với cử tri. Ông Powell từng nhiều lần tuyên bố Fed luôn cố gắng làm điều có lợi nhất cho nền kinh tế chứ không bị chính trị chi phối.

Các cuộc thăm dò thường cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump luôn dẫn trước Phó Tổng thống Kamala Harris về các vấn đề kinh tế, mặc dù khoảng cách đã thu hẹp kể từ khi bà Harris thay thế ông Biden làm ứng cử viên của đảng Dân chủ. Dù vậy, động thái cắt giảm lãi suất lần này có thể mang lại chút lợi thế cho chiến dịch của bà Harris.

Bình luận về việc này, bà Harris tuyên bố “trong khi đây là tin đáng hoan nghênh cho người dân Mỹ, những người đang phải chịu đựng gánh nặng của giá cả leo thang”, bà sẽ tiếp tục tập trung vào ưu tiên kéo giá cả đi xuống trong thời gian tới. Ngược lại, động thái này có thể khiến chiến dịch tranh cử của ông Trump không hài lòng. Những tuần qua, cựu Tổng thống đã liên tục cho rằng việc cắt giảm lãi suất là một bước đi chính trị nhằm hậu thuẫn cho phe Dân chủ.

Phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, Anna Kelly, cũng đã chỉ trích bà Harris vì hồ sơ của chính quyền bà về chi phí vay. Bà Kelly cho biết: “Kamalanomics (chính sách kinh tế của bà Harris) đã dẫn đến mức tăng lãi suất thế chấp nhanh nhất kể từ năm 1981 và chỉ có Tổng thống Trump mới có thể khôi phục tăng trưởng kinh tế sau 4 năm thất bại”.

(Tiếp theo: Fed hạ lãi suất - Bài cuối: Kinh tế Trung Quốc “miễn nhiễm”?)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục