Fed hạ lãi suất, các ngân hàng trung ương cũng cân nhắc chính sách tiền tệ

12:07' - 01/08/2019
BNEWS Ngay sau khi Fed thông báo cắt giảm lãi suất vào ngày 31/7, một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có những động thái và phát biểu liên quan đến chính sách lãi suất quốc gia.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng cân nhắc chính sách lãi suất. Ảnh: reuters

Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ vào ngày 31/7, một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có những động thái và phát biểu liên quan đến chính sách lãi suất quốc gia.

Ngân hàng trung ương Brazil là một trong những thể chế tài chính đầu tiên thông báo cắt giảm lãi suất sau quyết định của Fed, giữa bối cảnh nền triển vọng của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đang xấu đi.

Theo đó, ngân hàng trung ương này đã cắt giảm lãi suất từ mức thấp lịch sử trước đó là 6,5% xuống còn 6%.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Brazil đã chống lại áp lực giảm chi phí đi vay do những lo ngại về lạm phát khi Tổng thống Jair Bolsonaro đang nỗ lực thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật cải cách lương hưu của ông.

Điều chỉnh lãi suất được coi là một trong số ít công cụ mà Brazil có trong tay để giúp vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng như đưa hệ thống tài chính thoát khỏi tình trạng “thoi thóp” sau một giai đoạn khủng hoảng sâu hồi năm 2015-2016.

Trong khi đó, tuy chưa chính thức hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 1/8 cho biết họ có thể xem xét quyết định này để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Nhật Bản.

Tháng trước, BoK đã cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất chuẩn xuống còn 1,50% với lý do tăng trưởng kinh tế nước này chậm hơn dự đoán.

Với đợt cắt giảm này, BOK đã nới rộng khoảng cách giữa lãi suất chính sách của họ và của Mỹ lên 1 điểm phần trăm, một nguyên nhân có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi đây.

Nhưng với quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống biên độ 2,00-2,25% của Fed vào ngày 31/7, BoK sẽ có nhiều dư địa hơn để điều động các chính sách tiền tệ của mình.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Thống đốc BOK Lee Ju-yeol đã khẳng định rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ được cân nhắc nếu điều kiện kinh tế trở nên tồi tệ hơn.

Ông cho biết những lệnh kiềm chế xuất khẩu của Nhật Bản, nếu được tăng cường thông qua việc Tokyo loại Seoul khỏi danh sách các quốc gia đáng tin cậy, có thể tạo ra "rủi ro rất lớn".

Nhưng Thống đốc BOK cũng phủ nhận đây không phải là yếu tố duy nhất khiến ngân hàng trung ương này hạ lãi suất.

Ngoài ra, Thống đốc Lee đã lưu ý việc cắt giảm lãi suất có thể không có tác động đáng kể như trước đây.

Ngân hàng Trung ương này, viện dẫn nền kinh tế lớn thứ tư châu Á hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài như tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất của BoK về nền kinh tế Hàn Quốc cho thấy trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019, nước này đã tăng trưởng 1,1% so với quý trước đó, sau khi bất ngờ thu hẹp 0,4% trong ba tháng đầu năm nay.

Song BoK chỉ ra rằng sự phục hồi trên phần lớn do chi tiêu tài khóa của Chính phủ tăng và nó có thể sẽ mất tác dụng trong thời gian tới. Điều này có nghĩa việc nới lỏng chính sách tiền tệ hoàn toàn khả thi trong thời gian tới.

Trái ngược với những động thái và tín hiệu của các ngân hàng trên, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ giữ nguyên lãi suất của họ trong thời gian tới, ngay cả khi nguy cơ một Brexit – chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – “lộn xộn” đang “che mờ” triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế này.

Giữa bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung chưa được giải quyết triệt để và qua đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn cầu, Fed đã hạ lãi suất vào ngày thứ Tư và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ có hành động tương tự vào tháng tới. Nhưng BoE nói rằng nước Anh là một trường hợp đặc biệt.

Nhà kinh tế trưởng Andy Haldane của BoE mới đây đã nhấn mạnh rằng lãi suất của nước này không có mức tăng cao như của Mỹ, trong khi thị trường việc làm và lạm phát của Anh “sáng sủa” hơn nhiều so với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Các nhà kinh tế cũng hầu như đều chắc chắn rằng Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE sẽ giữ lãi suất của thể chế này ở mức 0,75% tại cuộc họp sắp tới.

Nhưng câu hỏi là Thống đốc Mark Carney sẽ giải quyết thách thức đặt ra bởi một Brexit không thỏa thuận như thế nào khi kịch bản này có thể đẩy nước Anh vào suy thoái.

Nếu điều này xảy ra, gần như chắc chắn BoE sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trước khi ông Carney từ chức vào cuối tháng 1/2020. Còn nếu một thỏa thuận giữa Anh và EU được ký kết, giới quan sát cho rằng BoE có thể sẽ quyết định nâng lãi suất.

Tương tự như BoE, hầu hết các chuyên gia phân tích đều dự báo Ngân hàng trung ương Canada  trong thời gian trước mắt sẽ duy trì lãi suất ở mức 1,75%.

Tất cả số liệu kinh tế của Canada mặc dù không quá tốt nhưng được đánh giá tương đối tích cực trong quý II/2019 sau khi khởi động yếu ớt hồi đầu năm. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Đáng chú ý, lạm phát tại Canada trong tháng 5/2019 đã đạt mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2018 là 2,4%.

Theo giới quan sát, đây sẽ là lý do để Ngân hàng trung ương Canada giữ nguyên lãi suất. Thị trường hiện đánh giá khả năng Ngân hàng trung ương Canada hạ lãi suất trong cuộc họp vào tháng Chín tới chỉ là 10%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục