Festival Huế 2018: Trình diễn những chương trình ca múa nhạc đặc sắc

20:30' - 29/04/2018
BNEWS Trong khuôn khổ Festival Huế 2018, tối 29/4, đông đảo khán giả đã đến Sân khấu Cung An Định để thưởng thức đêm nhạc đầy màu sắc với sự kết hợp âm nhạc Đông - Tây.

Đêm nhạc đầy màu sắc với sự kết hợp âm nhạc Đông - Tây, khai thác nhạc cụ và dân ca dân tộc với âm hưởng thế giới do nhóm nhạc "Đường chân trời" của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội biểu diễn.

Đêm nhạc kết hợp Đông - Tây 

Chương trình biểu diễn của nhóm nhạc có tên là "Cất cánh" kéo dài khoảng 60 phút, nhưng đã mang đến cho khán giải nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhóm trình diễn những tác phẩm “đinh” như: “Ruộng bậc thang”, “Về miền ca dao mẹ”, "Tiết xuân về", "Vạt nắng xuân"… và một số bài có âm hưởng dân ca gần gũi như: “Trống cơm”, “Lý chiền chiện”…

Đặc biệt Ca Huế cũng được khai thác để đưa vào trong tác phẩm world music của "Đường chân trời" lần này. Nghệ sỹ ưu tú Diệu Hương là người đảm nhận phần ca, nhạc sỹ Nguyễn Thắng chơi nhạc cụ hơi shakuachi cung rê của Nhật Bản và nghệ sỹ Trần Lưu Hoàng chơi dòng trống thép lotus, hang drum. Đây cũng là hai nhạc cụ lần đầu tiên được nhóm khai thác vào trong tác phẩm của mình.

Bên cạnh đó, "Đường chân trời" còn mời nhóm múa đương đại của Hồng Hạnh Belly để cùng ngẫu hứng trong “Cất cánh”. "Đường chân trời" còn có các nghệ sĩ Đào Minh Fha (Contrabass), Đỗ Mạnh Thắng (Trống), Lê Minh Đức (Organ, Piano), Nguyễn Quốc Linh (guitar).

Ban nhạc "Đường chân trời" do vợ chồng nhạc sỹ Nguyễn Thắng và Phạm Thu An thành lập năm 2014 tại Hà Nội, với ý tưởng là pop hoá nhạc cụ dân tộc, sáng tác và chuyển soạn lại những giai điệu dân gian Việt Nam, tạo sự mới mẻ, gần gũi.

"Đường chân trời" là sự kết hợp của giai điệu và hoà âm Đông - Tây, nhạc của đồng bào miền núi không chỉ vang lên trên nền hoà âm jazz của thế giới như: đinh puốt pa, kipah, sáo H’mông vang lên giai điệu ngũ cung mặc định mà còn solo lần lượt với các nhạc cụ phương tây như piano, guitar, contrabass.

Âm nhạc nhóm "Đường chân trời" là âm nhạc pha trộn, pha giữa cung quãng của dân gian Việt và màu hoà âm mới, khúc thức phá cách, luôn có phần solo của từng cây đàn. Đó là cái tôi thẩm mỹ, cảm xúc, tâm tư, là chính mình…

Với chương trình này, nhóm nhạc hi vọng những sự kết hợp, giai điệu, cung quãng, những hòa âm được bay lên và cũng chính là để nhắc nhở nghệ sĩ từng thành viên của từng cây đàn một khi chơi solo hết mình cất cánh thăng hoa.

Những màn trình diễn của nhóm từ nhạc cụ dân gian kết hợp âm nhạc mang phong cách hiện đại, đóng vai trò giao lưu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật độc đáo giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Tại các sân khấu khác, khán giả tham dự Festival Huế còn được thưởng thức nhiều loại hình âm nhạc của mọi miền Tổ quốc đến từ các đoàn nghệ thuật dân tộc: Đăk Lăk; Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen...

Mãn nhãn những điệu múa từ đoàn nghệ thuật Ranranga (Sri Lanka)

Trong khuôn khổ Festival Huế 2018, cũng trong tối 29/4, tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế) đã diễn ra Chương trình biểu diễn múa nghệ thuật từ Đoàn nghệ thuật Ranranga (Sri Lanka) với 8 tiết mục múa mang đậm nét văn hoá đất nước Nam Á - Sri Lanka.

Với hơn 25 nghìn năm lịch sử, tất cả các điệu múa ở Sri Lanka đều bộc lộ những nét duyên dáng song hành những điệu vũ mạnh mẽ, sôi động, nổi bật trên những bài nhạc với nhịp điệu trống đa dạng. Sự kết hợp giữa những tiếng sáo réo rắt, du dương trầm bổng và tiếng trống âm vang, hào hùng luôn là phông nền tuyệt vời cho những màn biểu diễn.

Mở đầu chương trình, các vũ công biểu diễn tiết mục múa “Pathuru” trong trang phục sặc sỡ cùng điệu múa gõ các thanh gỗ vào nhau tạo nên những âm thanh đặc sắc kết hợp với nền nhạc hút hồn tái hiện lại nét văn hoá Sri Lanka trong các lễ hội về tôn giáo.

Gợi lại khung cảnh các thiếu nữ để mừng một vụ mùa bội thu, tiết mục múa “Kulu” của các nữ vũ công đoàn nghệ thuật Ranranga toát lên nét quyến rũ đầy nữ tính của những người thiếu nữ. Điệu múa dân gian Kulu thể hiện quá trình xuyên suốt từ lúc thu hoạch lúa đến lúc sàng gạo. Kulu là những bước nhảy uyển chuyển hoà quyện với giai điệu nhạc đồng quê.

Bên cạnh đó, những điệu múa dân gian từ đất nước Sri Lanka: Deewara (điệu múa từ những làng chài ven biển), Redi Nenda (người phụ nữ Sri Lanka với công việc giặt giũ), Savoma Ekwemu (điệu múa kết hợp dân gian và hiện đại)... cũng được trình diễn trong chương trình nghệ thuật này.

Cũng trong khuôn khổ Festival Huế 2018, các du khách trong và ngoài nước còn được thưởng thức nhiều chương trình âm nhạc nghệ thuật mãn nhãn từ nhiều đoàn nghệ sĩ, nghệ thuật như nhóm beatbox/ acapella Berywam (Cộng Hoà Pháp); Đoàn nghệ thuật dân gian Urpin (Slovakia); Đoàn nghệ thuật múa sư tử Yaese, Okinawa (Nhật Bản), Thái Nghi Đường Huế; Ca sỹ Noa (Israel); Nhóm nhạc Nematatlin (Mexico) và Ban nhạc Pambil (Colombia)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục