Financial Times cảnh báo nền kinh tế Anh khó chống đỡ cú sốc Brexit

05:30' - 26/11/2017
BNEWS Cú sốc Brexit cộng với những bộc lộ yếu kém của tự thân nền kinh tế Anh đang khiến nước này bước vào một cuộc hành trình của một con tàu bị rò rỉ.
Financial Times cảnh báo nền kinh tế Anh khó chống đỡ cú sốc Brexit. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong những ngày này, các phe phái chính trị tại Anh tranh luận sôi nổi về việc nước Anh nên lựa chọn con đường Brexit như thế nào.

Theo bài viết của cây bình luận thời sự nổi tiếng Martin Wolf đăng trên tờ Financial Times, thật ngớ ngẩn khi cho rằng Anh có thể chịu đựng được cú sốc nếu nước Anh gặp khó khãn khi tiếp cận các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Theo Martin Wolf, chính trị Anh đang gần như tan chảy. Đất nước đã bước vào con đường tự mình tách khỏi EU dưới sự dẫn dắt của một Thủ tướng không quyền lực và một chính phủ không đoàn kết. Sẽ không có điều gì đáng nói nếu như kinh tế Anh vẫn khỏe mạnh.

Nhưng đáng tiếc là nền kinh tế đã chịu đựng những yếu kém tự thân bên trong của nước Anh và Brexit sẽ làm bộc lộ những yếu kém này rõ ràng hơn.

Hoạt động kinh tế ngắn hạn của Anh đang cho thấy một sự thất vọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 và 2018 ở mức 1,7% và 1,5%, đứng gần cuối bảng trong các nước thuộc EU (năm 2018 chỉ hơn nước Italy cuối bảng một chút).

Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban đánh giá kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách chung tại London, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn không đáng lo ngại bằng sự đi xuống của nền kinh tế trong dài hạn.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã tàn phá kinh tế Anh. Mặc dù có những lợi thế như tỷ giá linh hoạt mềm dẻo, chính sách tài khóa và tiền tệ tự chủ, sự hồi phục của nền kinh tế Anh trở nên yếu ớt nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.

Thu nhập sau thuế thực của hộ gia đình loại trung bình ở Anh chỉ tăng có 5% so với năm 2007. Trong khi đó, mức lương thực trong khoảng thời gian từ năm 2007-2016 ở Đức tăng 10,6% và trung bình ở các nước Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) là 6,4%, nhưng ở Anh thì lại bị giảm 2,5%, chỉ cao hơn các nước Hy Lạp, Mexico và Bồ Đào Nha.

Sự chia rẽ mang tính thế hệ ngày càng rộng ra đáng kể. Những người trong độ tuổi từ 22-39 đều chịu mức lương thực tế bị giảm 10% trong 10 năm qua. Họ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá nhà trung bình tăng nhanh hơn nhiều so với 20 năm trước. Do vậy, nhóm người trong độ tuổi từ 25-34 vay tiền mua nhà trả góp giảm đi rõ rệt, từ 54% xuống còn 35%.

Kinh tế Anh là nơi có sự chia rẽ mạnh mẽ nhất trong châu Âu. Khu vực trung tâm London là khu vực giàu có nhất châu Âu. Nhưng các vùng khác của London và khu vực Đông Nam thì nghèo hơn rất nhiều.

Tuy nhiên có những vùng ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha còn nghèo hơn nơi nghèo nhất ở Anh. GDP tính trên đầu người mới chỉ trở lại ngang ngưỡng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 tại London và phía Đông Nam của Anh, chứ không phải trên toàn nước Anh.

Dù tỷ lệ có việc làm ở Anh hiện nay là khá cao, nhưng số người chỉ có việc làm bán thời gian cũng khá đông và nhiều ngành tỷ lệ việc làm bấp bênh tăng lên. Ví dụ, năm 2016, có 2,8% người có việc làm là làm dưới dạng hợp đồng theo giờ, tăng 0,6% so với năm 2007.

Với loại hợp đồng làm việc này khiến người lao động sẽ khó khăn hơn rất nhiều để có thể kiểm soát được cuộc sống của mình do người lao động không có chế độ được hưởng lương vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ và không có nghỉ phép năm được trả lương.

Mức độ bất bình đẳng ở Anh cũng nằm trong những nước có mức cao nhất châu Âu. Mặc dù mức độ bất bình đẳng nói chung không tăng nhiều trong mấy thập kỷ gần đây (không giống như Mỹ), nhưng mức lương trả cho những người quản lý, điều hành cấp cao tăng nhanh đến chóng mặt.

Nếu như mức lương của giám đốc điều hành công ty cách đây 30 năm cao gấp 20 lần trung bình mức lương của người lao động thì tỷ lệ này ngày nay là gấp 150 lần.

Mọi người có thể tự hỏi, nhìn từ hoạt động kinh tế của Anh, những lãnh đạo các doanh nghiệp này lý giải như thế nào về mức độ tăng cao như vậy? Họ cũng có thể chỉ ra thực tế rằng năng suất lao động trung bình của Anh tính trên số giờ làm việc nằm trong mức thấp nhất trong số các nước có thu nhập cao, và năng suất này hiện theo phương nằm ngang kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008.

Cả hai cách tính đều cho thấy năng suất lao động của Anh rất gần với của Italy, nước được đánh giá có mức độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng thấp nhất trong EU.

Trong danh sách những điểm sút kém trong nền kinh tế, đầu tư Anh rất kém và có xu hướng giảm. Chi tiêu dành cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng tương đối thấp.

Một số người lập luận rằng điều này thể hiện sự bất hợp lý đối với việc đánh giá những sáng kiến, đó là quá chú trọng đến việc thưởng quản lý làm sao họ có thể nâng được giá cố phiếu trong ngắn hạn, hơn là đánh giá xem liệu họ có cải thiện được hoạt động kinh doanh của công ty trong dài hạn hay không.

Anh không phải là một nền kinh tế lành mạnh có thể chịu đựng được những cú sốc khi việc tiếp cận các thị trường quan trọng bị suy yếu trầm trọng. Các chính sách đưa ra nhằm cải thiện hoạt động kinh tế toàn diện là điều quan trọng. Thất vọng về hoạt động kinh tế là một trong lý do dẫn đến câu chuyện Brexit của nước Anh.

Cú sốc Brexit cộng với những bộc lộ yếu kém của tự thân nền kinh tế Anh sẽ làm cho mức độ thất vọng của nhiều người Anh còn trầm trọng hơn nữa. Tác giả đi đến kết luận: nước Anh đã bước vào một cuộc hành trình với một con tàu bị rò rỉ. Bởi vậy hãy thận trọng, con tàu có thể bị đánh đắm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục