FTA Việt Nam – EU: Tận dụng lợi thế thúc đẩy tăng trưởng thương mại

10:20' - 19/08/2015
BNEWS Sau gần 3 năm đàm phán, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những cam kết của Hiệp định, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề liên quan đến Hiệp định này.

Phóng viên: Ông có thể cho biết rõ về những loại hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực?

Ngài Jean Jacques Bouflet Tham tán công sứ, Trưởng bộ phận Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Ông Jean Jacques Bouflet: EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2 % số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này được hiểu là giảm thuế quan ở thời hạn cuối cùng và sẽ trở về 0% với lộ trình Việt Nam là 10 năm và EU là 7 năm. Dòng thuế được giảm có tốc độ và lộ trình khác nhau, tùy từng mặt hàng và đây là con số cao. Mốc thời gian 7 năm và 10 là để giúp doanh nghiệp hai bên có thể thích nghi với việc cắt giảm thuế.

Về quy định kỹ thuật, EU là thị trường tiêu chuẩn cao, nên cần có thời gian thích nghi cho doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam đó là hai bên đàm phán trong tiêu chuẩn nhưng phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đang tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu để có năng lực tốt. Để chuẩn bị cho doanh nghiệp, Việt Nam phải có sự chuẩn bị sẵn sàng cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.

Phóng viên: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế nhưng vẫn còn giữ lại 1%, ông có thể cho biết tại sao lại như vậy?

Ông Jean Jacques Bouflet: 1% mà EU giữ lại chủ yếu là hàng nông sản nhạy cảm dưới hình thức TQR, tức là áp dụng mức quota nhập khẩu với thuế suất 0% nhưng khi nhập có hạn ngạch nhất định. Bên cạnh đó, thịt lợn, thịt gà, thịt bò cũng phải tuân thủ theo hạn ngạch quota, riêng với sản phẩm sữa thuế suất sẽ hoàn toàn về 0% trong vòng 10 năm.

Phóng viên: Các mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam xuất sang thị trường EU như dệt may, giày dép, thuỷ sản, gạo… sẽ có lộ trình cắt giảm thuế quan như thế nào, thưa ông?

Ông Jean Jacques Bouflet: Đối với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Tương tự, thuỷ sản cũng là mặt hàng dỡ bỏ thuế quan dần dần. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.

Cụ thể, với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Chẳng hạn như, đối với sản phẩm từ gạo, chịu quota như gạo với mức quota là 10.000 tấn với gạo hương, 25.000 tấn đối với gạo xay xát, 30.000 tấn gạo sữa cho mỗi năm với thuế suất 0%. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Cà phê chế biến theo tôi chắc chắn hưởng thuế suất 0% sau 7 năm. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế ngay đối với mặt hàng mật ong khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Phóng viên: Vậy tại sao với nhiều mặt hàng lợi thế Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu hạn ngạch và phải dỡ bỏ dần dần?

Ông Jean Jacques Bouflet: Tôi công nhận còn tồn tại vấn đề về hạn ngạch như mặt hàng gạo nhưng tổng thể phần chúng tôi dành cho Việt Nam là “hào phóng”. Việt Nam có dư thời gian do đó cần nâng tầm, xuất những mặt hàng có giá trị cao hơn và thu lợi nhuận cao hơn.

Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU tại Đà Nẵng

Quy chế hạn ngạch gạo cũng có những lợi ích nhất định, nếu như mở cửa hoàn toàn sẽ là gạo rẻ tiền nhưng mở cửa dần dần sẽ là gạo có chất lượng và không có gạo nhập lậu từ Thái Lan, Malaysia…

Phóng viên: Hiện, phía Việt Nam hiện quan tâm đến một số mặt hàng nhạy cảm như thịt gà, thịt lợn, nông sản. Xin ông cho biết lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu những mặt hàng này từ EU và Việt Nam sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Jean Jacques Bouflet: Mức cắt giảm của Việt Nam với các mặt hàng như thịt, sữa... nhập từ EU sẽ được thực hiện như sau thịt lợn đông lạnh nhập khẩu dỡ bỏ 7 năm, thịt bò 3 năm và mặt hàng sữa trong 5 năm, những sản phẩm thành phẩm cho sản xuất và chế biến tối đa 7 năm gà 10 năm.

Bên cạnh đó, xe gắn máy sẽ có lộ trình giảm thuế trong 7 năm nhưng chỉ áp dụng với xe có dung tích trên 150cc; mặt hàng ô tô là 10 năm, nhưng ô tô dung tích lớn hơn thì lộ trình sớm hơn 1 năm; mặt hàng đồ uống có cồn là 7 năm.

Phóng viên: Vậy ông có lưu ý gì đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU khi Hiệp định này có hiệu lực, thưa ông?

Ông Jean Jacques Bouflet: Tiêu chuẩn sản phẩm là yêu cầu quan trọng, khi xuất khẩu sản phẩm sang EU phải luôn cân nhắc tất cả các yếu tố tiêu chuẩn bao gồm cả tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng. EU luôn muốn thúc đẩy thương mại với Việt Nam, thông qua đáp ứng tiêu chuẩn thương mại giữa Việt Nam và EU. Lợi ích Việt Nam đạt được từ FTA là lợi ích kinh tế quan trong nhất, góp phần thúc đẩy kinh tế của Việt Nam.

Về cơ chế ưu đãi, cơ chế giải quyết tranh chấp, giúp cho các bên liên quan khi xảy ra tranh chấp thương mại có thể qua trọng tài để giải quyết xung đột giữa hai bên. Liên quan đến đầu tư doanh nghiệp, EU và Việt Nam khi đầu tư có thể có lợi ích lớn và cơ chế thực thi hỗ trợ khi đầu tư.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục