FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ có hiệu lực trong năm 2016

16:45' - 27/07/2016
BNEWS Khả năng Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2016, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước.
FTA giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước. Ảnh: kidd.com

Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu; trong đó, 59,3% xoá bỏ ngay khi Hiệp định FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Giới thiệu thị trường các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua Việt Nam-EAEU FTA”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/7 thì các chuyên gia cho rằng, vẫn cần phải đánh giá thật cẩn thận tác dụng của Hiệp định này trên từng ngành hàng và từng thị trường cụ thể.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), việc Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với EAEU (gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Đây là Hiệp định khá toàn diện, bao quát rất nhiều lĩnh vực (chất lượng hoá thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ…); trong đó, hạng mục “Mua sắm Chính phủ” cũng để mở để sau này có thể bổ sung phát triển thêm.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, khả năng Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2016. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ sớm có cơ hội tiếp cận với khối thị trường lớn của châu Âu. Do đó, các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh nhờ được miễn, giảm thuế quan.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương)phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Tuy nhiên, để tranh thủ được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hiệp định đối với từng dòng thuế, từng sản phẩm của doanh nghiệp mình xuất khẩu.

Chính vì thế, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ, làm sao để hưởng ưu đãi theo quy định của hiệp định. Chẳng hạn như với thủy sản, FTA này quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối. Nhưng với mặt hàng tôm, cá ngừ thì Việt Nam được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu nhưng phải đảm bảo tỷ lệ nội địa trên 40%”.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cho biết, Việt Nam và Nga đã có quan hệ lâu đời nên quan hệ thương mại cũng dễ dàng và tin tưởng hơn. Mặc dù vậy, khoảng cách địa lý đang là bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam với khu vực Liên minh kinh tế Á- Âu.

Trước đây, Việt Nam đã có quan hệ thương mại nhưng giá trị các đơn hàng chưa lớn nên việc vận chuyển vẫn vòng vèo. Đơn cử, để xuất khẩu hàng dệt may thì thường phải xuất qua Hà Lan, sau đó mới tới Nga nhưng giờ với Hiệp định EAEU, khi giá trị các đơn hàng tăng lên thì không thể làm như vậy được, do chi phí logistic sẽ rất cao. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống kho hàng, bến bãi để giảm được chi phí vận chuyển.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, cơ hội chiếm lĩnh thị trường hàng hóa thông qua EAEU là hiện hữu, song các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ những qui định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước khác.

Do đó, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị phương án đối phó với các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt là có thể lựa chọn phân khúc phù hợp về giá cả và chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục