G20 nhất trí ngừng cấp vốn cho các nhà máy than trong năm 2021

15:55' - 01/11/2021
BNEWS Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị G20 đã đạt được quyết định lịch sử “loại bỏ than đá và ngừng cấp vốn cho các nhà máy than trong năm 2021”.

Ngày 31/10, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy đã nêu bật tầm quan trọng của việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ, đồng thời cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây là mục tiêu lý tưởng trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, đồng nghĩa giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, G20 cũng đã đạt được quyết định lịch sử “loại bỏ than đá và ngừng cấp vốn cho các nhà máy than trong năm 2021”. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo và các tổ chức và nhà hoạt động cho rằng cần gia tăng các nỗ lực để đảm bảo thành công của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến ngày 12/11.

Trên thực tế, G20 xác nhận nếu có thể khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C sẽ hạn chế được hậu quả so với mức tăng 2 độ C và cần phải có hành động ngay lập tức giải quyết vấn đề này, song lại tránh đưa ra các cam kết nghiêm ngặt với các nước thành viên.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo COP26 có nguy cơ thất bại bởi các quốc gia cam kết chưa đủ để giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C, đồng thời cảnh báo sự thất bại của hội nghị sẽ đồng nghĩa với thất bại của nỗ lực ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên.

Theo ông, Hội nghị G20 đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn còn một "chặng đường dài" để đi.

Đến nay mới chỉ 12 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 "vào hoặc khoảng năm 2050" trong khi một số quốc gia chủ chốt như Trung Quốc và Saudi Arabia chỉ chính thức cam kết đạt được mục tiêu đó vào năm 2060.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định phải rời Rome "với những hy vọng dang dở, nhưng ít nhất chúng cũng không bị chôn vùi".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng hội nghị đã đạt được tiến triển thực tế về nhiều vấn đề, song bày tỏ thất vọng khi một số nước không đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong số những người thúc đẩy hành động ở Rome cho dù bản thân chính sách khí hậu đầy tham vọng của ông cũng đang "gặp khó" ngay trong nội bộ đảng Dân chủ.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, các điều khoản trong tuyên bố chung vẫn đang được thảo luận, cho rằng hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ giúp tạo đà trước Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Quan chức này bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ đưa ra cam kết ngừng tài trợ than, đưa ra "tín hiệu tích cực" về khử carbon trong ngành điện.

Thủ tướng nước chủ nhà Mario Draghi bày tỏ vui mừng trước các kết quả đạt được tại hội nghị, song lưu ý đây mới chỉ là điểm khởi đầu.

Trong khi đó, tổ chức môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) cho rằng tuyên bố chung của G20 "thiếu cả tham vọng và tầm nhìn", cho rằng các nhà lãnh đạo G20 "không đáp ứng được tình hình". Cùng chung quan điểm trên, theo ông Friederike Roder, Giám đốc cấp cao của tổ chức chống đói nghèo Global Citizen, các nhà lãnh đạo G20 chưa đưa ra các hành động cụ thể.

Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo tham dự COP26 sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể tìm ra cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thúc đẩy các nỗ lực nhằm khống chế nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục