G7 xem xét thành lập nhóm đặc biệt về Nga, thống nhất quan điểm về Triều Tiên

08:06' - 24/04/2018
BNEWS Các ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã đạt được nhất trí về việc thành lập nhóm đặc biệt về Nga và duy trì sức ép với Triều Tiên.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra trong 3 ngày (22 - 24/4/2018) tại thành phố Toronto của Canada với chủ đề “Xây dựng một thế giới an ninh và hoà bình hơn”. Ảnh: TTXVN

Sau 2 ngày họp với 9 phiên thảo luận về các vấn đề chính của thế giới, các ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã đạt được nhất trí về một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc đề xuất thành lập nhóm đặc biệt về Nga và duy trì sức ép với Triều Tiên.

Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết ý tưởng đề xuất thành lập nhóm đặc biệt về Nga được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7 đang diễn ra ở thành phố Toronto.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và nhiều nước phương Tây gần đây đang gặp nhiều thách thức xung quanh các vụ việc như vụ cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc ở Anh, những cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng…

Theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, G7 “có vai trò quan trọng” trong việc cung cấp những thông tin rõ ràng về những việc đang xảy ra. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nêu rõ các ngoại trưởng G7 sẽ đề xuất ý tưởng thành lập nhóm công tác đặc biệt lên các nhà lãnh đạo xem xét trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 tới.

Ngoài vấn đề liên quan tới Nga, các ngoại trưởng G7 cũng nhất trí duy trì áp lực với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và bày tỏ thái độ lạc quan thận trọng trước những tuyên bố tích cực gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hoài nghi liệu ông Kim Jong-un "có thực sự quan tâm tới việc đàm phán phi hạt nhân hoá hay không". Trong khi đó, Quyền Ngoại trưởng Mỹ John J.Sullivan kêu gọi tất cả các nước cùng hành động và đưa thông điệp phi hạt nhân hoá tới Bình Nhưỡng.

Theo ông, sự đồng thuận quốc tế là yếu tố cốt lõi trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên "một cách toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Ngoài ra, tại hội nghị, các ngoại trưởng G7 cũng đã thảo luận chi tiết về nhiều vấn đề nóng trên thế giới như cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Myanmar và Bangladesh; cuộc khủng hoảng tại Venezuela; cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hoá học ở Syria và cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria ngày 13/4; hướng hành động tiếp theo về chương trình hạt nhân Iran, chống khủng bố và tấn công mạng…

Theo kế hoạch, các Bộ trưởng An ninh G7 tiếp tục nhóm họp trong ngày 24/4 với 4 phiên thảo luận về môi trường an ninh, kiểm soát các thách thức an ninh nội địa, chống tấn công mạng và ngăn chặn khủng bố qua Internet. Đây sẽ là ngày thảo luận cuối cùng của Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7 diễn ra từ 22 – 24/4 tại thành phố Toronto của Canada với chủ đề “Xây dựng một thế giới hoà bình và an toàn hơn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục