"Gã khổng lồ" công nghệ Mỹ sẽ trả phí nội dung cho hàng chục tờ báo ở Pháp

06:03' - 22/01/2021
BNEWS Cho đến nay, Google mới chỉ ký kết các thỏa thuận riêng lẻ với một số nhà xuất bản, trong đó bao gồm hai nhật báo là Le Monde và Le Figaro.

Công ty Google thuộc Tập đoàn Alphabet và Liên minh báo chí APIG - tổ chức tập hợp hàng chục tờ báo quốc gia ở Pháp, đã nhất trí về khuôn khổ chung về bản quyền, theo đó "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ sẽ trả tiền cho các nội dung trực tuyến của các tờ báo này.

Tuyên bố chung được công bố ngày 21/1 cho biết thỏa thuận giữa Google và APIG liên quan đến quyền kề cận, trong đó kêu gọi thanh toán cho những nội dung tin tức được hiển thị trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến.

Thỏa thuận đặt ra khuôn khổ để Google thương lượng riêng rẽ với các tòa soạn báo về việc thanh toán, cũng như việc cấp quyền truy cập vào chương trình mới News Showcase (Giới thiệu tin tức) mà Google đang triển khai với những nội dung phong phú và được trả phí.

Thông báo trên được đưa ra sau nhiều tháng thương lượng giữa Google, các nhà xuất bản và các hãng tin tức của Pháp về cách đăng ký các quy tắc bản quyền đã được sửa đổi của Liên minh châu Âu (EU), theo đó cho phép các nhà xuất bản yêu cầu thanh toán lệ phí đối với các nền tảng trực tuyến hiển thị phần trích dẫn tin tức của họ.

Những nguyên tắc được đề cập trong thỏa thuận giữa Google và APIG bao gồm các tiêu chí như số lượng xuất bản hằng ngày, lưu lượng truy cập Internet hằng tháng và "sự đóng góp cho thông tin chính trị và những thông tin chung".

Tuy nhiên, Google và APIG không tiết lộ về khoản tiền đóng góp chiểu theo thỏa thuận đối với các thành viên APIG, cũng như cách thức chi trả.

Cho đến nay, Google mới chỉ ký kết các thỏa thuận riêng lẻ với một số nhà xuất bản, trong đó bao gồm hai nhật báo là Le Monde và Le Figaro.

Tháng 7/2020, Pháp đã trở thành nước châu Âu đầu tiên phê chuẩn luật cải cách bản quyền của EU. Luật mới đảm bảo rằng các công ty truyền thông được thanh toán nhuận bút cho các nội dung gốc được hiển thị trên Google, Facebook và các "đại gia" công nghệ khác đang chế ngự thị trường quảng cáo trên mạng.

Quy định mới tạo ra "các quyền kề cận" để bảo vệ bản quyền - và trả tiền nhuận bút - cho các công ty truyền thông khi nội dung của họ được sử dụng trên các trang mạng khác như các công cụ tìm kiếm./.

>>Google "thử nghiệm" hạn chế người dùng truy cập các trang tin của Australia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục