Gà sạch Tân Lập giúp xóa đói nghèo

10:40' - 25/05/2019
BNEWS Sau 4 năm đi vào hoạt động, mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi đã và đang xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng đặc biệt khó khăn ở Thanh Hóa.

Tân Lập là thôn 135 đặc biệt khó khăn thuộc xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, thôn Tân Lập được Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam lựa chọn thành lập nhóm để chăn nuôi gà sạch thả đồi. Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, mô hình này đã và đang trở thành mô hình xoá đói giảm nghèo cho người dân trong thôn. Thương hiệu gà sạch, trứng sạch Tân Lập cũng đang dần có chỗ đứng trên thị trường.

Từ một hộ cận nghèo của xã Vĩnh Long, đời sống gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, được sự hỗ trợ của GNI, gia đình chị Lê Thị Hoa ở thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long bắt tay vào nuôi 100 con gà thịt. Gia đình chị Hoa đã quy hoạch 1 khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 1ha.

Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô và cám tổng hợp thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác trong tự nhiên là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên,...Vì vậy, gà lớn nhanh, ít bệnh tật, thịt săn chắc, trứng gà đảm bảo chất lượng. Những lứa gà ta thả đồi của gia đình chị được thương lái khắp nơi đến đặt mua, giá cả luôn ổn định.

Đến nay, gia đình chị Hoa có khoảng 1.500 con gà bao gồm cả gà thịt và gà đẻ trứng, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi khoảng 75 triệu đồng/năm. Với mô hình chăn nuôi mới này, những năm gần đây thu nhập gia đình chị luôn ổn định và phát triển được nhiều hộ dân trong vùng đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Chị Lê Thị Hoa cho biết, chăn nuôi gà thả đồi có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên. Đặc biệt, thời điểm giao nhau giữa lứa cũ và lứa mới, sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, bổ sung thêm thức ăn xanh cho lứa gà mới nuôi.

Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức GNI, từ năm 2015 tại thôn Tân Lập hình thành nhóm chăn nuôi gà sạch với 7 hộ gia đình. Đây là chương trình Phát triển sinh kế, thành lập các nhóm sản xuất kinh doanh theo sở thích do GNI phối hợp với Ban Quản lý Dự án hỗ trợ phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc triển khai thực hiện.

Hàng năm tổ chức này đều mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Ban đầu chỉ là nhóm chăn nuôi gà sạch với 7 thành viên, đến năm 2018 đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi gà đồi Tân Lập với 18 thành viên tham gia.

Qua 4 năm hoạt động, đến nay tổng đàn gà của các hộ tham gia mô hình đã có khoảng 14.000 - 15.000 con gà thịt và 1.500 gà đẻ trứng, với các chủng loại gà như: gà Ri Hòa Bình, gà lai chọi Thanh Lương, gà Phùng...Hiện GNI đang hỗ trợ các hộ tham gia mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm thịt gà, trứng gà và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gà đồi Tân Lập.

Chị Lê Thị Hạnh, một hộ nuôi tham gia mô hình đồng thời là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi gà đồi Tân Lập cho biết, tham gia mô hình, các hộ đều quy hoạch 1 khu chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 2 ha; trong đó có 1-2 chuồng chăn nuôi gà thịt, 1 chuồng chăn nuôi gà đẻ trứng, 1 nhà kho chứa thức ăn chăn nuôi. Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi gà đồi Tân Lập được thành lập với kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô nuôi thả gà đồi lên 30.000 - 40.000 con/năm, gà đẻ trứng 10.000 con/năm, đăng ký chứng nhận VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Việc thành lập hợp tác xã và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của nhóm chăn nuôi gà Tân Lập sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp cho các hộ chăn nuôi nâng cao thu nhập, ổn định việc làm từ việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gà.

Tuy nhiên, để mở rộng mô hình này hợp tác xã rất mong các cấp các ngành hỗ trợ trong vấn đề xây dựng phương án chăn nuôi hợp quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong nước; đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi ruộng đất để xây dựng thêm trang trại, phát huy lợi thế địa hình của thôn miền núi để nghề chăn nuôi gà ở đây thực sự hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương, chị Lê Thị Hạnh kiến nghị.

Nhờ những thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi do GNI hỗ trợ, từ 1 nhóm chăn nuôi ban đầu tại thôn Tân Lập đến nay mô hình này đã phát triển rộng ra 3 nhóm chăn nuôi gà khác tại xã Vĩnh Long. Nhờ tham gia mô hình, được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và tìm được đầu ra cho các sản phẩm nông sản, nhiều hộ dân đã thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các hộ luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện vệ sinh chuồng trại, giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ nhằm đạt hiệu quả cao nhất và cho ra được sản phẩm gà đồi an toàn.

Ông Tào Quang Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, qua quá trình sản xuất cho thấy mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi ở xã Vĩnh Long là một hướng đi bền vững trong việc phát triển nông nghiệp sạch, được huyện Vĩnh Lộc khuyến khích các hộ dân áp dụng.

Hiện các sản phẩm trứng gà và thịt gà Tân Lập có thể cung cấp thường xuyên cho thị trường địa phương và các khu vực lân cận. Tới đây, UBND huyện Vĩnh Lộc sẽ phối hợp với một số đối tác kinh doanh làm thủ tục mở cửa hàng thực phẩm sạch tại Thị trấn Vĩnh Lộc, thành phố Thanh Hóa và các địa phương lân cận./.

Xem thêm:

>>Liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho gà đồi Ba Vì

>>Làm gì để đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục