Bắc Giang gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

14:07' - 26/04/2019
BNEWS Năm 2030, Bắc Giang phấn đấu là tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.

Bắc Giang phấn đấu 65% sản lượng vải thiều tiêu thụ trong thị trường nội địa, đồng thời tiếp tục tăng cường thêm các thị trường xuất khẩu mới, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 3 - 3,5%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 2,5 - 3%/năm.

Tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm 20%, năm 2030 chiếm 30%. Giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 130 triệu đồng, năm 2030 đạt 170 triệu đồng.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh rà soát, xác định các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, theo lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường.

Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, tỉnh chọn phát triển hai trục gồm nhóm sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương có quy mô nhỏ theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Tỉnh định hướng, sản phẩm chủ lực đến năm 2030 gồm: 26.000 ha vải thiều, 5.000 ha cam, 4.500 ha bưởi; 28.000 ha rau các loại và 300 ha hoa các loại; 55.000 ha cây lúa chất lượng; tổng đàn lợn khoảng 1,6 triệu con; tổng đàn gà khoảng 18 triệu con; tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 12.700 ha.

Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương sẽ tập trung phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP như gà đồi Yên Thế, mật ong, lợn sạch, dê, chè, gạo thơm, rau cần, vú sữa, dứa, na, nhãn, khoai sọ...

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 170 loại sản phẩm OCOP; trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao (dự kiến gồm vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế...).

Thời gian tới, Bắc Giang đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng đó, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới; ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung.

Tỉnh cũng chú trọng đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn...

Bắc Giang có địa hình, điều kiện tự nhiên phong phú là một lợi thế để phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng. Từ năm 1997 đến nay, tổng số vốn xã hội đầu tư và tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt trên 15.500 tỷ đồng.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt bình quân 7%/năm, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 19.800 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với năm 1997; trong đó, trồng trọt đạt trên 9.100 tỷ đồng, chăn nuôi đạt hơn 8.150 tỷ đồng.

Hiện Bắc Giang đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 50.100 ha; trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích đạt 28.500 ha (lớn nhất cả nước); diện tích cam đạt 4.700 ha và bưởi đạt 4.200 ha; giá trị sản xuất từ cây ăn quả có múi đạt 1.200 tỷ đồng/năm.

Quy mô đàn lợn, đàn gia cầm tăng nhanh đưa Bắc Giang vào nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước với đàn lợn có quy mô đứng thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội, Đồng Nai), quy mô đàn gà đứng thứ 4 toàn quốc (sau Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An).

Quý I/2019, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt 4.670 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Diện tích cây trồng vụ đông giảm so với năm 2018 những năng suất tăng nên sản lượng vẫn tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục