Gạch tenji - “bạn đường” thân thiện của người khiếm thị

20:35' - 31/08/2021
BNEWS Gạch tenji xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản từ cách đây hơn 50 năm để giúp người khiếm thị cảm nhận đường đi tốt hơn, qua đó hỗ trợ họ đi lại an toàn và thuận tiện ở môi trường thành thị.

Đường phố Nhật Bản, từ giao lộ Shibuya nổi tiếng ở thủ đô Tokyo đến những con đường nhỏ trên đảo Okinawa xa xôi, đều có điểm chung là những tấm gạch tenji (được đặt tên theo tiếng Nhật Bản nghĩa là “chữ nổi”) để hỗ trợ người khiếm thị.

Gạch tenji xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản từ cách đây hơn 50 năm để giúp người khiếm thị cảm nhận đường đi tốt hơn, qua đó hỗ trợ họ đi lại an toàn và thuận tiện ở môi trường thành thị.

Trong những năm trở lại đây, những tấm gạch lát có nhiều lỗ tròn hoặc vạch ngang dọc này ngày càng trải dài trên đường phố, không chỉ ở “xứ sở hoa anh đào” mà còn trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều thành phố trên thế giới, từ thủ đô London của Anh đến thành phố cảng Sydney của Australia.

Những tấm gạch tenji được nhìn thấy nhiều nhất ở nhà ga đường sắt, đường giao nhau dành cho người đi bộ và phía trước các tòa nhà công cộng. Những viên gạch đóng vai trò là “người dẫn đường” này thường có màu vàng, màu sắc được cho là dễ nhận biết nhất đối với người khiếm thị.

Tenji có hai loại: một loại có những vạch gờ song song báo hiệu người đi bộ có thể an tâm đi tiếp và loại kia có những hình tròn nổi biểu thị sự thay đổi hướng hoặc điểm dừng hoặc một điểm cần chú ý như cạnh sân ga, cầu thang hoặc cột đèn giao thông.

Những tấm gạch hữu ích này là “tác phẩm” của nhà phát minh Seiichi Miyake đến từ Okayama, phía Tây Nhật Bản. Sau khi chứng kiến một người khiếm thị chống gậy suýt bị ô tô đâm tại một giao lộ, ông đã quyết định dành toàn bộ tâm huyết để sáng tạo ra một thứ gì đó có thể hỗ trợ người khiếm thị đi lại an toàn.

Theo ông Toyoharu Yoshiizumi – thành viên Liên đoàn Người khiếm thị Nhật Bản, việc đi bộ dọc theo các con đường lát gạch tenji mang lại cảm giác an toàn. Ông bị mất thị lực từ năm 12 tuổi và phải đi bộ khoảng 40 phút mỗi ngày để đến nơi làm việc.

Ông chia sẻ: “Các con đường không phải lúc nào cũng chỉ đi thẳng mà thường chạy cong hoặc khúc khuỷu. Nhờ các tấm gạch chỉ đường, tôi cảm thấy an toàn vì tôi biết mình đang đi dọc các con phố”./.

>>Người khiếm thị đầu tiên tại châu Á chinh phục đỉnh ​núi cao nhất thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục