Gam màu sáng trong bức tranh nông thôn mới trên đất nhãn

15:49' - 19/10/2019
BNEWS "Tập trung mọi nguồn lực, tạo gam màu sáng trong bức tranh nông thôn mới, đưa quê nhãn xứng đáng là một tỉnh "hưng thịnh và yên bình" trở thành "miền quê đáng sống".
Thu hoạch nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã chia sẻ như vậy khi nói về chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới. Với những nỗ lực và kinh nghiệm mới, cách làm hay, diện mạo nông thôn mới ở Hưng Yên đang ngày một khởi sắc.

* Điểm nhấn từ tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, để tạo đòn bẩy vững chắc cho nông thôn mới phát triển bền vững với hiệu quả thiết thực, tỉnh đã thực hiện nhanh, sâu rộng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên những tiềm năng, lợi thế của vùng châu thổ sông Hồng.

Toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 12.000 ha (chiếm gần 30% đất lúa, hơn 20% đất nông nghiệp) đất lúa kém hiệu quả cùng với 2.700 ha đất bãi ven sông Hồng, sông Luộc sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, cây ăn quả đặc sản, trồng hoa và cây cảnh, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Các diện tích chuyển đổi áp dụng công nghệ thâm canh mới, giống cây cho năng suất chất lượng cao như nhãn T1, T6; vải trứng chín sớm, dược liệu, chuối tiêu hồng, cam Hưng Yên, dưa lưới, dưa vàng thơm... Theo đó mang lại giá trị cao gấp nhiều lần trồng lúa, với mức bình quân  đạt hơn 190 triệu đồng/ha.

Nhiều địa phương như: Đồng Thanh (Kim Động), Tam Đa, Minh Tiến (Phù Cừ), Tân Quang (Văn Lâm), Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), Quảng Châu (thành phố Hưng Yên)... có nhiều mô hình chuyển đổi đạt từ 500 - 800 triệu đồng/ha. Riêng các các xã Tân Dân, Bình Minh, Hàm Tử (Khoái Châu); Xuân Quan, Phụng Công (Văn Giang) có nhiều mô hình trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh cho thu lãi từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Diện tích cây trồng được chứng nhận VietGap đạt hơn 1.000 ha tại các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, thành phố Hưng Yên. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường; tổ chức lại và thành lập 275 hợp tác xã, gần 100 tổ hợp tác, gần 800 trang trại phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, việc gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân được hình thành và nhân rộng.

Tại các huyện đã mở rộng nhiều mô hình sản xuất tập trung, hình thành vùng chuyên canh sản phẩm hàng hóa cho giá trị lớn như trồng hoa cây cảnh ở Văn Giang, Văn Lâm; vùng nhãn lồng và cam ở Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên; vùng thâm canh vải trứng Phù Cừ; vùng chuyên chuối tiêu hồng Khoái Châu, Kim Động; cánh đồng dược liệu ở các xã Tân Quang (Văn Lâm); Chí Tân (Khoái Châu)....

Tỉnh đã lựa chọn 72 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop). Dự kiến năm 2020 tổ chức hội chợ Ocop trên cơ sở lựa chọn sản phẩm tiêu biểu từ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, sản phẩm làng nghề như gà Đông Tảo, tương Bần, hoa cây cảnh Xuân Quan, nhãn muộn Hàm Tử, vải chín sớm Phù Cừ...

Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng an toàn sinh học, xây dựng được 4 vùng Gahp ở các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ. Các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi được hình thành và nhân rộng. Nhiều mô hình ở các xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), Yên Phú (Yên Mỹ) cho thu từ 2 đến hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.

Lĩnh vực thủy sản với trên 5.600 ha được chuyển từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang mô hình hợp tác xã, áp dụng công nghệ mới. Tại các trang trại và hợp tác xã ở xã Bắc Sơn, Hạ Lễ (Ân Thi); Hòa Phong (Mỹ Hào) với mô hình nuôi cá sông trong ao, nuôi cá lồng trên sông cho mức thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng/ha.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho hay, từ những thành công trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh tiếp tục hướng trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị và hiệu quả cao.

Đến năm 2020 có thêm 4.500 ha được chuyển đổi ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, nhân rộng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế được đầu tư vào nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phổ biến và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả cao, phát triển các chuỗi giá trị liên kết doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ nông dân.

* Nhiệm vụ bứt phá

Đến nay, Hưng Yên đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới, với 141/145 xã (đạt hơn 97%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 4/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm và thành phố Hưng Yên. Tỷ lệ này cao hơn bình quân chung cả nước (đạt khoảng 50%) và thuộc tốp các tỉnh dẫn đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động tổng số tiền đầu tư xây dựng nông thôn mới gần 65 nghìn tỷ đồng (bình quân 438 tỷ đồng/xã).

Hạ tầng kinh tế kỹ thuật được đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ, với gần 2.500 km đường giao thông nông thôn, 400 km kênh mương thủy lợi, gần 3.000 km đường điện trung thế và hạ thế, hơn 800 trạm biến áp, gần 4.000 phòng học, 100% xã có Nhà văn hóa, khu hoạt động thể thao, cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, hơn 1.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển toàn diện như hỗ trợ xi măng, cho phép mỗi xã quy hoạch và sử dụng 3 ha đất có lợi thế để đấu giá thành đất ở, tạo vốn 90% để xã xây dựng nông thôn mới; để lại ngân sách 100% số tiền xử lý đất dôi dư để tạo nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh đó, huy động được nhiều nguồn lực, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng, nhân dân đã đóng góp trên 750 tỷ đồng, trên 1,5 triệu m² đất thổ cư, gần 700 ha đất nông nghiệp, trên 950 nghìn ngày công xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều xã nông thôn mới là điểm sáng với nhiều kinh nghiệm mới, cách làm hay trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang giá trị kinh tế cao, vận động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng. Điển hình như các xã Mễ Sở, Xuân Quan, Phụng Công (Văn Giang); Bình Minh, Đông Tảo (Khoái Châu); Đại Đồng (Văn Lâm); Tam Đa (Phù Cừ), Đồng Thanh (Kim Động); Bảo Khê (thành phố Hưng Yên)... Đây  là những địa phương đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chia sẻ về những bước đi tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng khẳng định, năm 2019 Hưng Yên xác định mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ "bứt phá" để tạo dấu mốc quan trọng 100% xã được công nhận nông thôn mới; có 3 huyện tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Yên Mỹ, Kim Động, Phù Cừ.

Phấn đấu hết năm 2020 cơ bản các huyện ở Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi huyện có ít nhất 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn dưới 2%; lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; hơn 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch từ các nhà máy cấp nước tập trung.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng hạ tầng nông thôn; hướng tới mục tiêu "phố trong làng", gắn kết hài hòa với đô thị, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh sạch đẹp hiện đại và văn minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục