Gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của buôn người

11:17' - 02/07/2021
BNEWS Theo "Báo cáo về nạn buôn người năm 2021" của Bộ Ngoại giao Mỹ, gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của buôn người, nhiều trong số này bị cưỡng ép lao động tình dục.

Ngày 1/7, Mỹ cho biết đại dịch COVID-19 đã tạo "môi trường lý tưởng" cho hoạt động buôn người phát triển, khi các chính phủ đang phải tập trung nguồn lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và những đối tượng buôn người nhắm đến những người dễ bị tổn thương.

Theo "Báo cáo về nạn buôn người năm 2021" của Bộ Ngoại giao Mỹ, gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của buôn người, nhiều trong số này bị cưỡng ép lao động tình dục, nhiều người khác bị buộc phải làm việc trong các nhà máy hoặc công trường, hoặc phải tham gia các nhóm vũ trang. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu".          

Báo cáo thường niên của bộ trên cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã "tạo ra các điều kiện làm tăng số người dễ bị tổn thương với hoạt động tội phạm này, đồng thời làm ngắt quãng các nỗ lực can thiệp chống buôn người hiện nay hoặc đã lên kế hoạch... vì các chính phủ trên khắp thế giới phải chuyển các nguồn lực sẵn có cho công tác phòng chống dịch".

Báo cáo nêu rõ: "Trong khi đó, những kẻ buôn người đã thích nghi nhanh chóng và tập trung vào sự dễ bị tổn thương do dịch".

Quyền Giám đốc Văn phòng giám sát và đấu tranh chống buôn người, bà Kari Johnstone cho biết các yếu tố trên "đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho hoạt động buôn người nở rộ".

Báo cáo đưa ra ví dụ tại Ấn Độ và Nepal, trẻ em gái ở các khu vực nông thôn nghèo khó thường muốn bỏ học để giúp gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Một số em đã buộc phải lấy chồng để đổi lấy tiền cho cha mẹ, trong khi nhiều em khác phải lao động để kiếm sống. Ở nhiều nước, các băng nhóm "săn" người trong các trại tị nạn.

Báo cáo trên xếp hạng các quốc gia trên khắp thế giới dựa trên mức độ tuân thủ Luật Bảo vệ nạn nhân của buôn người (TVPA) năm 2000.

Trong bảng này, 6 nước đã giảm từ bậc 1 - mức cao nhất - xuống bậc 2 gồm Cyrus, Israel, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha và Thụy Điển.

Các nước bậc 2 không "đáp ứng đầy đủ" các tiêu chí tối thiểu của TVPA "nhưng đang có nỗ lực lớn để tuân thủ". Hai nước là Guinea-Bissau và Malaysia đã tụt xuống bậc 3, nơi đang có các nước như  Afghanistan, Algeria, Nicaragua, Nam Sudan, Syria...

Trong khi đó, 4 nước (gồm Belarus, Burundi, Lesotho và Papua New Guinea) đã chuyển từ bậc 3 lên bậc 2./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục