Gần 40% người dân Nhật Bản được khảo sát trải lòng về cảm giác cô đơn

08:00' - 13/05/2025
BNEWS Một khảo sát mới đây của Chính phủ Nhật Bản đã tiết lộ một thực trạng đáng lưu tâm: có đến 39% người dân nước này được hỏi thường xuyên hoặc đôi khi cảm thấy cô đơn.

Điều đáng nói là, việc luật pháp được ban hành từ tháng 4 năm ngoái nhằm giải quyết vấn đề cô lập xã hội, dường như vẫn chưa có những chuyển biến tích cực đáng kể.

 

Kết quả khảo sát năm 2024 cho thấy tỷ lệ người trải qua cảm giác cô đơn ở các mức độ khác nhau ("thường xuyên hoặc luôn luôn", "thỉnh thoảng" hoặc "đôi khi") là 39,3%, không thay đổi so với con số ghi nhận vào năm 2023. Thậm chí, tỷ lệ này duy trì ở mức tương đương kể từ khi nghiên cứu được tiến hành lần đầu vào năm 2021.

Điểm mới trong khảo sát lần này là việc lần đầu tiên đánh giá mối tương quan giữa cảm giác cô đơn và thời gian sử dụng điện thoại thông minh. Một phát hiện đáng chú ý là trong nhóm những người sử dụng điện thoại hơn 8 tiếng mỗi ngày, có đến 13,3% cho biết họ cảm thấy "thường xuyên hoặc luôn luôn" cô đơn. Tỷ lệ này là 9,5% ở những người sử dụng điện thoại từ 7 đến 8 tiếng, vẫn cao hơn so với những người sử dụng điện thoại ít hơn.

Về nguyên nhân dẫn đến cảm giác cô đơn, yếu tố được nhiều người nhắc đến nhất (với hình thức trả lời đa lựa chọn) là "mất người thân trong gia đình", chiếm tỷ lệ 24,6%. Các lý do phổ biến khác bao gồm "sống một mình", "thay đổi hoặc nghỉ học, nghỉ việc" và "các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần".

Cuộc khảo sát lần thứ tư này đã thu thập ý kiến của 20.000 người dân Nhật Bản từ 16 tuổi trở lên, được lựa chọn ngẫu nhiên trên khắp cả nước. Tình hình của họ được ghi nhận vào tháng 12/2024, và tỷ lệ phản hồi hợp lệ đạt 54,4%.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gia tăng tình trạng cô đơn và cô lập, Nhật Bản đã ban hành luật nhằm giải quyết vấn đề này. Luật yêu cầu chính quyền địa phương thành lập các nhóm phối hợp giữa khu vực công và tư để triển khai các biện pháp hỗ trợ những người có nhu cầu. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới nhất cho thấy những nỗ lực này có vẻ như vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục