Gần 43% doanh nghiệp nhỏ của Nam Phi phải đóng cửa do COVID-19

07:58' - 10/12/2020
BNEWS Theo Công ty dịch vụ tài chính Finfind, gần 43% doanh nghiệp nhỏ của Nam Phi phải dừng hoạt động trước tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Công ty dịch vụ tài chính Finfind ngày 7/12 đã công bố báo cáo mới về bức tranh toàn cảnh của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SMME) Nam Phi trước tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó khoảng 42,7% doanh nghiệp nhỏ phải dừng hoạt động.

Được thực hiện với sự hợp tác của Bộ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ Nam Phi, nghiên cứu của Finfind đã tiến hành khảo sát 1.489 công ty trên toàn bộ các lĩnh vực chủ chốt.

Dữ liệu cho thấy trong 5 tháng đầu tiên Nam Phi thực hiện phong tỏa để phòng chống COVID-19 (bắt đầu từ ngày 27/3/2020 với mức phong tỏa cao nhất), doanh thu của 76,2% doanh nghiệp được khảo sát sụt giảm đáng kể.

Khoảng 35,2% số công ty đã tiết kiệm tiền mặt dự trữ và trong số này, 62,6% cho rằng dự trữ tiền mặt của họ sẽ kéo dài từ một đến ba tháng. Tuy nhiên, chỉ có 29,2% doanh nghiệp khẳng định có thể thanh toán chi phí vào tháng tiếp theo.

Các khó khăn như mức nợ hiện có, thiếu dự trữ tiền mặt, tài chính lỗi thời, không tiếp cận được nguồn vốn cứu trợ và không thể hoạt động trong thời gian bị phong tỏa, đã buộc 42,7% doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.

Báo cáo của Finfind cho thấy hiện trạng đáng ngạc nhiên là chỉ có 47,9% doanh nghiệp đóng cửa đã nộp đơn xin tài trợ cứu trợ từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Nam Phi và hầu như tất cả (99,9%) các đơn đề nghị cứu trợ này bị từ chối.

Dù đối mặt với triển vọng tương lai không chắc chắn, khoảng 76,7% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ Nam Phi đang hoạt động vẫn thể hiện tinh thần lạc quan về khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong năm 2021.

Tuy nhiên, chỉ có 32% số doanh nghiệp trên nhận định họ có thể tạo ra việc làm mới – tín hiệu cảnh báo đáng quan ngại trong cuộc khủng hoảng thất nghiệp chưa từng có hiện nay tại đất nước Cầu Vồng.

Finfind đánh giá tiếp cận nguồn vốn hiện là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó các ngân hàng thương mại vẫn viện dẫn điểm tín dụng tiêu dùng kém để từ chối các đơn xin cứu trợ của các SMME.

Finfind khuyến nghị các ngân hàng cần khẩn trương phát triển các mô hình đánh giá tín dụng mới tập trung vào lịch sử tái thanh toán của chính doanh nghiệp, thay vì tập trung vào hồ sơ tín dụng cá nhân của chủ doanh nghiệp, để xác định mức độ tín dụng của doanh nghiệp.

Đơn vị khảo sát cũng khuyến nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ tài trợ và chuyển sang kỹ thuật số để giảm thiểu tác động của những cú sốc tương tự.

Theo báo cáo của Finfind, năm 2021 có thể sẽ là một chặng đường đầy chông gai đối với hầu hết người dân Nam Phi, nhưng vẫn có những điểm sáng từ sự lạc quan của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ – những người can đảm tiếp tục thể hiện bản lĩnh trong xây dựng lĩnh vực kinh doanh rất quan trọng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục