Gạo Nhật Bản chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc

18:51' - 06/06/2021
BNEWS Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gạo nội địa đang thu hẹp dần, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gạo nội địa đang thu hẹp dần, Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản và các công ty bán buôn của nước này đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Những công ty này liên kết với các công ty Trung Quốc để quảng cáo gạo chất lượng có giá cao, giữa bối cảnh thực phẩm Nhật Bản đang ngày càng được quan tâm tại thị trường Trung Quốc, bất chấp những quan ngại liên quan đến tác động của cạnh tranh Mỹ-Trung lên trục quan hệ Nhật-Trung.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, giá gạo có xuất xứ Nhật Bản cao gấp 2-3 lần so với gạo được sản xuất ở Trung Quốc hoặc Mỹ. Chi phí xuất khẩu cao khiến gạo Nhật Bản thậm chí còn đắt hơn ở thị trường nước ngoài.

Do đó, gạo Nhật Bản cần phải giảm giá để phù hợp với túi tiền của những hộ gia đình có thu nhập trung bình, cũng như để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.

Trung Quốc tiêu thụ khoảng 140 triệu tấn gạo mỗi năm, cao gấp khoảng 20 lần so với Nhật Bản. Lượng gạo tiêu thụ ở “xứ hoa anh đào” đã giảm khoảng 100.000 tấn mỗi năm, do tỷ lệ sinh giảm và thói quen ăn uống của người dân thay đổi.

Vào tháng 4/2021, Zen-Noh International Corp., một công ty con của Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo, cho biết họ sẽ cung cấp gạo sản xuất tại tỉnh Niigata cho tập đoàn thực phẩm khổng lồ của Trung Quốc COFCO để bán dưới tên thương hiệu gạo nhập khẩu mới King Food.

Nguồn cung đợt đầu tiên chỉ 48 tấn. Tuy nhiên, Zen-Noh coi việc hợp tác với COFCO là một bước tiến quan trọng và là cơ hội để khách hàng Trung Quốc tiếp cận gạo Nhật Bản.

Trong khi đó, công ty bán buôn lớn của Nhật Bản là Kitoku Shinryo Co. cũng có trụ sở tại Tokyo đã bắt đầu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc từ năm 2016 và ghi nhận tăng trưởng doanh số trong phân khúc các sản phẩm thích hợp làm quà tặng trong dịp Tết Nguyên Đán.

Một quan chức của Kitoku Shinryo cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc là rất cao. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy dư địa tăng trưởng lớn”.

Công ty này hiện đang cân nhắc việc phân phối sản phẩm thông qua nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Tmall do tập đoàn Alibaba điều hành.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng giá trị gạo xuất khẩu sang Trung Quốc gấp 5 lần mức của năm 2019, lên 1,9 tỷ yen vào năm 2025.

Mặc dù vậy, nỗ lực này khó có thể thành công nếu quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh xấu đi trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang tiếp diễn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục