GDP của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 6,4% trong năm 2021

10:36' - 29/01/2022
BNEWS Cơ quan thống kê chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố số liệu tạm tính cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng lãnh thổ này tăng 6,4% trong năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, trong số các yếu tố cấu thành chính của GDP, chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 5,7%, chi tiêu tiêu dùng của chính quyền tăng 4,6%, tổng vốn cố định tăng 10,1%. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng lần lượt tăng 19,0% và 17,5%.

Người phát ngôn chính quyền Đặc khu cho biết, mặc dù GDP tăng trưởng đáng kể trong năm 2021, đảo ngược xu thế đi xuống trong 2 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 2% so với năm 2018.

Những yếu tố như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng nhờ nhu cầu bên ngoài phục hồi nhanh chóng, chi tiêu tiêu dùng cá nhân gia tăng, thị trường lao động được cải thiện cũng như việc phát hành phiếu tiêu dùng điện tử trị giá 5.000 HKD (642 USD) cho người dân đủ điều kiện, đã góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Hong Kong trong năm 2021.

 

Tuy nhiên, việc ngành du lịch vẫn gần như “đóng băng” đã hạn chế đà phục hồi của nền kinh tế Đặc khu.

Hiện tại, trung tâm tài chính này đang phải “vật lộn” để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 do biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, với số ca mắc mới liên tiếp ghi nhận ở mức 3 chữ số trong những ngày gần đây.

Hôm 27/1, Hong Kong đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần (đến ngày 17/2) lệnh cấm ăn tối trong nhà hàng sau 18 giờ, giảm số thực khách đến nhà hàng, đóng cửa một số địa điểm như thẩm mỹ viện, phòng tập gym, bể bơi, quán rượu, hộp đêm và bảo tàng...

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với hành khách từ 8 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ cũng được kéo dài đến ngày 18/2. Làn sóng dịch bệnh mới và việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch đã tạo ra áp lực mới đối với các hoạt động kinh tế của Hong Kong.

Trong thời gian tới, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của Hong Kong, nhưng tốc độ phục hồi được dự báo sẽ chậm lại vào năm 2022. Sự tắc nghẽn nguồn cung do dịch bệnh trên toàn cầu có những diễn biến phức tạp có khả năng khiến một số nền kinh tế chủ chốt tiếp tục rơi vào tình trạng lạm phát cao trong một thời gian.

Những kịch bản này sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát cục bộ, có khả năng khiến các ngân hàng trung ương lớn đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, gây tác động đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục