GDP ngành nông nghiệp trong 6 tháng tăng cao nhất trong 10 năm qua
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, các đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu năm 2018.
Dự kiến, GDP nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm tăng từ 3,95% - 4,05% , đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,2%; trong đó, trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 2,04%, lâm nghiệp tăng 5,21%, thuỷ sản tăng 6,49%. *Chuyển biến rõ nét từ tái cơ cấu Sáu tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện khá thuận lợi về thời tiết, khí hậu; cây trồng vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đã đề ra và đạt mức cao. Trồng trọt tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả (đã chuyển 32.800 ha đất lúa) sang trồng các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tăng cường sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” không chỉ trên lúa mà còn trên các đối tượng cây rau màu khác. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Một số cây công nghiệp có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như cao su tăng 5%, hồ tiêu tăng 6,5%, chè tăng 3,7%, điều tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, nhờ thị trường tiêu thụ tốt nên sản lượng các loại cây ăn quả tăng mạnh. Cụ thể, cam tăng 25%, bưởi tăng 7%, nhãn 20%, vải 40%, xoài 7%; sầu riêng 5%; chuối 4%; dứa 10%... Sản xuất chăn nuôi nhìn chung thuận lợi, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, gia cầm ổn định; chăn nuôi lợn bắt đầu có dấu hiệu tái đàn khi giá thịt lợn hơi tăng cao. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu được sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, thời tiết trên các ngư trường khá thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Cùng với đó, Bộ và các địa phương đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất; tiếp tục bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển... nên hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, do giá cá tra, tôm sú duy trì ở mức cao, thị trường tiêu thụ ổn định nên hoạt động nuôi trồng tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1,79 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ; trong đó, tôm nước lợ và cá tra tăng trưởng khá cao. Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã có chuyển biến rõ rệt trên thực tiễn, có nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, mô hình kinh doanh gỗ lớn. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thị trường gỗ nội địa có những chuyển biến và khởi sắc. Đến nay, tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc đạt 89%, tăng 17% so với năm 2013; trồng thâm canh được 189.486 ha rừng; chuyển hóa 29.088 ha rừng. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng đáp ứng phần lớn nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu. Tính đến 25/6/2018, cả nước có 3.370 xã (37,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2018 vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã, 54 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới *Khả năng vượt các mục tiêu tăng trưởng Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh hết sức khả quan. Kết quả này sẽ là tiền đề, tạo đà cho phát triển những tháng cuối năm, khả năng toàn ngành sẽ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Theo dự báo của Tổ chức FAO, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục tăng, trái cây nhiệt đới tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng trong năm 2018. Bởi vậy, nhiều khả năng xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm (trên 12%) và kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt từ 40-41 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017. Sản xuất cây công nghiệp tiếp tục phát triển, các cây ăn quả có thị trường và giá trị cao tăng mạnh. Xuất khẩu các mặt hàng chè, cà phê, cao su, tiêu, điều có khả năng đạt trên 5,5 tỷ USD, rau quả đạt từ 4,5 - 4,7 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như: cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao và sang nuôi trồng thủy sản, các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất. Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Để đạt mục tiêu 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2018, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành lâm nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp từ nguyên liệu, công nghệ chế biến, thị trường. Với thị trường sẽ cố gắng giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thêm thị trường mới. Đồng thời, khuyến cáo doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nói không với nguồn nguyên liệu bất hợp pháp. "Trong tương lai ngành lâm nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ. Cùng với đó, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy, cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế. Ngoài ra, lấy các doanh nghiệp mạnh hiện có làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.", ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh. Chăn nuôi lợn đang phục hồi, dự báo sẽ có tăng trưởng dương, sản lượng thịt hơi có thể tăng thêm 0,4%. Sản xuất và xuất khẩu cá tra duy trì tốt, các doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng sang các thị trường mới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Nuôi tôm nước lợ tiếp tục phát triển do thời tiết thuận lợi (trừ tôm thẻ chân trắng giá giảm nên có thể người nuôi không mở rộng diện tích nuôi). Dự báo 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, giá cả cơ bản ổn định, sản lượng xuất khẩu nhiều khả năng tăng cao do nhu cầu tiêu dùng quốc tế những tháng cuối năm tăng. Thị trường trong nước ổn định, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, các đơn vị cần vừa tập trung tháo gỡ thị trường vừa mở thị trường mới. Mặt khác, khâu sản xuất làm sao phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, các quy trình thủ tục, thanh tra chuyên ngành cần phải giảm đầu mỗi, giảm bớt thủ tục. Một lô hàng chỉ làm ở một đầu mối để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp. rưởng được đánh giá khá cao trong hoàn cảnh phải đối diện với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt. Trong 6 tháng cuối năm, ngành sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về thiên tai và lớn nhất là nguy cơ thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường lớn cạnh tranh cao, xu hướng các nước dựng lên các hàng rào bảo hộ... Bên cạnh đó, nguy cơ rủi ro về dịch bệnh khi sức sản xuất lên cao. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, bám sát vào các kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng gắn liền với các mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018./.Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Liên kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
12:13' - 26/06/2018
Nhiều ý kiến hay đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo "Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên" diễn ra sáng 26/6 ở Đà Nẵng.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất cấp giấy phép xây dựng với công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp
09:17' - 26/06/2018
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.
-
Kinh tế & Xã hội
Quảng Trị thu hút nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
12:42' - 22/06/2018
Quảng Trị đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; qua đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và tạo ra sản phẩm sạch.
-
Kinh tế Thế giới
Bộ Nông nghiệp Mỹ: Thái Lan có thể xuất khẩu 10,5 triệu tấn gạo trong năm 2018
09:43' - 11/06/2018
Theo nghiên cứu mới nhất mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhờ thời tiết thuận lợi và giá gạo thế giới tăng, sản lượng gạo của Thái Lan trong niên vụ 2018-19 được dự báo có thể tăng 4% lên 21,2 triệu tấn.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Tổ công tác làm rõ vụ phụ phẩm cà phê nhuộm pin
18:49' - 24/04/2018
Ngày 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác xác minh thông tin báo chí liên quan tới vụ việc phụ phẩm cà phê nhuộm đen bằng pin ở Đắk Nông và tiêu thụ tại Bình Phước.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
16:21'
Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 11 năm của Tổng thống Bulgaria và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Rumen Radev trên cương vị Tổng thống.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp giải đáp những vướng mắc về chính sách sản xuất nông nghiệp
13:26'
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
-
Kinh tế Việt Nam
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
12:44'
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển
10:55'
Nhằm tạo đột phá, phát huy lợi thế cạnh tranh khác biệt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
10:06'
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50'
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
19:20' - 23/11/2024
Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.