Ghi ở Vùng 5 Hải quân-Bài 2: Hòn Khoai-Những người yêu rừng ở biển

13:44' - 15/02/2016
BNEWS Công việc giữ rừng trên hòn Đào Khoai có những gian nan, nhưng đó lại là cái trải nghiệm, cái cống hiến của sức trẻ.

Nằm cách đất liền 14,6 km, đảo Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là một cụm đảo nhỏ gồm các đảo Hòn Khoai, Hòn Tương, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích 4,2km2.

Đây được coi là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc. Do đảo không có cư dân sinh sống nên việc giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên đảo phụ thuộc hoàn toàn vào những lực lượng đóng quân trên đảo như biên phòng, kiểm lâm.

Tưởng rằng, trên đảo việc giữ rừng không có gì khó khăn, phức tạp nhưng tìm hiểu mới thấy, nghề giữ rừng ở đâu cũng gian nan. Nếu không yêu quý rừng, biển Việt Nam thì không thể có những đóng góp lớn lao như vậy được.

* Giữ rừng giữa biển khơi

Anh Huỳnh Tuấn Kiệt, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng ở cụm đảo Hòn Khoai cho chúng tôi biết, diện tích rừng ở cả cụm đảo gồm 701 ha trong đó trên đảo Hòn Khoai là gần 500 ha rừng trên núi đá, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo.

Trong đó, hệ thực vật rất phong phú, với hơn 1.400 loài và có nhiều loại cây có giá trị kinh tế rất cao. Cây ăn trái gồm xoài, dừa... Cây lấy gỗ gồm lim, bằng lăng, chiêu liêu, vân vân, dầu rái, muỗng, quế quan, rè vàng, thị rừng, sao, trám mạo, trâm trắng… Cây làm thuốc có cốt toái bổ lá lớn, cốt toái bổ lá nhỏ, dây tiết dê, huyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan, sầu đâu, thần thông, thiên kim đằng, thiên niên kiện…

Nghề giữ rừng đầy gian nan. Ảnh: TTXVN

Dưới tán cây có tên gọi là "vân vân", một loài cây thực vật quý hiếm trên đảo, anh Kiệt kể thêm về những loài động vật đang được rừng ở đây che chở, nuôi dưỡng.

Đó là đàn khỉ vui vẻ, hay trêu đùa các lực lượng tuần tra trên đảo hay những con lợn rừng, thằn lằn đặc hữu thỉnh thoảng mới xuất hiện trước mắt cán bộ kiểm lâm.

Anh Kiệt cho biết, trước đây, UBND tỉnh Cà Mau có thả một số loài về rừng nhằm tăng tính đa dạng sinh học cho Hòn Khoai nhưng đến nay, chỉ còn một vài con nai thích nghi được với sinh thái trên đảo và sống sót.
Theo anh Kiệt, hàng năm, lực lượng Kiểm lâm đều kết hợp cùng các lực lượng trên đảo đi tuần tra bảo vệ rừng. Cơ bản, rừng ở đây được giữ nguyên vẹn do không có dân sinh sống. “ Phần lớn những trường hợp phá rừng là do ngư dân tấp vào đảo chặt một vài cây sửa chữa ghe thuyền bị hư hỏng trong lúc ra khơi”, anh Kiệt cho hay.
Nhưng nỗi vất vả lớn nhất của những người giữ rừng ở đây chính là công tác phòng chống cháy rừng do đặc thù rừng trên núi đá, khi đã cháy rất khó dập. Khoảng tháng 10 hàng năm, đảo bắt đầu bước vào mùa khô.

Từ khoảng thời gian này đến hết tháng 6 năm sau, các lực lượng trên đảo luôn phải thường xuyên tuần tra 24/24 giờ để phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu nguy hiểm đến rừng.

Anh Kiệt chia sẻ: “ Ngư dân có thói quen ghé đảo nghỉ ngơi trong chuyến đánh bắt hải sản trên biển. Chỉ cần họ hút thuốc nhưng không dụi hết lửa là nguy cơ cháy rừng sẽ rất cao. Do đó, chúng tôi phải phát hiện sớm, ngăn chặn không cho tàu thuyền ghé đảo, tránh tối đa những nguy cơ cháy rừng”.

Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng luôn được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng đóng quân trên đảo. Bởi vậy, không kể ngày đêm, họ vẫn thay phiên nhau tuần tra, canh gác để giữ cho được cánh rừng nguyên vẹn giữa biển khơi.

* Sức trẻ cống hiến cho đảo xanh

Một điều vô cùng thú vị, trong chuyến hành trình đến đảo Hòn Khoai, chúng tôi được gặp hai nhà nghiên cứu trẻ về lĩnh vực đa dạng sinh học.

Ngô Ngọc Hải, 25 tuổi, quê Hải Dương, công tác tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) gây ấn tượng cho tôi bởi cặp kính cận dày, vầng trán cao toát lên sự thông minh, một vẻ ngoài điển hình của nhà nghiên cứu đút chân vào bàn giấy.

Trong khi Nguyễn Văn Tân, cũng 25 tuổi, quê Sơn La, công tác tại Viện Sinh thái, Tài nguyên và Sinh vật (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) lại hoạt bát, nhanh nhẹn và vô cùng dễ mến. Ấy vậy mà khi hỏi ra, hai bạn đã có kinh nghiệm hơn 2 năm đi thực địa, đặt chân đến hầu hết các cánh rừng ở Việt Nam và không nhớ nổi số chuyến đi thực địa của mình.
Đây là lần thứ hai Hải và Tân thực địa tại đảo Hòn Khoai. Tân cho biết: Đảo Hòn Khoai xét về đa dạng sinh học là không nhiều không cao vì có yếu tố đảo nhưng mức độ đa dạng về cá thể là rất lớn.

Tại đảo có rất ít loài sinh sống nhưng số lượng cá thể trong các loài lại có rất nhiều. Như vậy mới duy trì được quần thể sống của các loài này.
Hiện Hải và Tân đang nghiên cứu, ước tính kích cỡ quần thể và nghiên cứu sinh thái học của loài thằn lằn chân vàng, một loài bò sát đặc hữu của Hòn Khoai. Đây là loài thằn lằn chỉ xuất hiện duy nhất ở Hòn Khoai, không có ở một nơi nào khác trên thế giới.

Loài thằn lằn này đã được công bố phát hiện từ năm 2010. Công việc của Hải và Tân là nghiên cứu những đặc tính giúp đưa loài này vào Danh lục sách đỏ của thế giới và danh lục sách đỏ Việt Nam.

Tân cho biết: “Loài thằn lắn này khá đẹp nên đã có những dấu hiệu buôn bán bất hợp pháp. Công việc của chúng em cũng sẽ giúp đưa ra những những khuyến cáo đối vối chính quyền địa phương và người dân nhằm bảo tồn đa dạng sinh học loài sinh vật đặc hữu quý hiếm này”.
Là những nhà nghiên cứu loài bò sát, ếch nhái, chuyên tìm hiểu những cá thể rắn, rết, thằn lằn, kỳ đà…, Hải và Tân gặp không ít những hiểm nguy trong quá trình đi thực địa nhưng với hai bạn, tình yêu dành cho công việc đã lấn át hết nỗi sợ hãi của bản năng con người.

Hải và Tân chia sẻ: “ Lúc đầu gia đình chúng em cũng lo lắng lắm nhưng rồi nhìn thấy chúng em yêu nghề, lại được đi cùng những nhà nghiên cứu đầu ngành, học hỏi được nhiều điều nên mọi người cũng yên tâm hơn”.

Khi được hỏi về chuyện tình yêu, hai chàng thanh niên trẻ chỉ bẽn lẽn nói: “ Chúng em cứ đi suốt rồi lại tiếp xúc với những con vật như thế thì ai dám yêu”. Tân còn tếu táo: “ Chúng em là bước đệm để các bạn gái đi lấy chồng, điển hình là bạn Hải, cứ tán cô nào là tháng sau cô ấy lấy chồng”./

Đùa vui một chút rồi Hải và Tân lại chúi đầu vào ghi ghép, ngắm nhìn những con thằn lằn chân vàng. Nhìn cách hai nhà khoa học trẻ tỉ mỉ nghiên cứu, nâng niu loài vật nhỏ bé này, trong lòng mỗi chúng tôi đều dấy lên niềm hi vọng vào một thế hệ trẻ biết yêu quý, bảo vệ và giữ gìn rừng xanh quê hương./.

Bài 1: Chuyện những người lập nghiệp trên đảo Thổ Chu

Bài 3: Người thầy áo xanh trên đảo Hòn Chuối

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục