Giá cả hàng hóa ổn định sau Tết

13:43' - 03/02/2017
BNEWS Giá hàng hóa tương đối ổn định nhờ lượng cung ứng tốt cộng với sự chi phối của chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại.
Giá cả hàng hóa ổn định sau Tết. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Mặc dù các chợ truyền thống và các kênh bán lẻ hiện đại đã hoạt động lại bình thường, song theo ghi nhận ngày 3/2 của phóng viên TTXVN, tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, lượng hàng về chợ đã phong phú tuy chưa nhiều.

Cùng với đó, giá hàng hóa tương đối ổn định nhờ lượng cung ứng tốt cộng với sự chi phối của chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại.

Khảo sát tại các chợ Hôm, chợ Kim Liên, chợ Mơ, 8/3… các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và rau củ quả bán hàng trở lại chưa nhiều. Thậm chí còn nhiều sạp hàng vẫn cửa đóng then cài, chủ cửa hàng không mặn mà với sức mua đầu năm mới.

Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, lượt khách đến các chợ truyền thống trong những ngày Tết chủ yếu đi vào buổi sáng, trong đó mặt hàng rau xanh, củ quả được lựa chọn nhiều nhất.

Tại thời điểm này, giá các mặt hàng hầu hết vẫn ổn định, giữ giá so với trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, mặt hàng hoa hồng có giá từ 3.000-4.000 đồng/bông, giảm mạnh so với mức 25.000 đồng/bông trước Tết.

Giá thịt bò tăng nhẹ lên mức 300.000 đồng/kg; giá nhiều loại rau như cần, cải cúc, cải ngọt… vẫn ổn định như ngày thường.

Tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) các cửa hàng vẫn khá thưa thớt do nhiều tiểu thương còn nghỉ Tết. Một số quầy thịt lợn đã mở bán và giữ giá như ngày thường song vẫn rất ít người mua. Các loại rau có phần đắt hàng, nhất là hành, mùi tàu, húng thơm, ớt, tỏi… và các loại rau ăn lẩu do giá khá rẻ.

Đáng lưu ý, một số loại rau tăng giá nhẹ như súp lơ xanh và trắng tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/cây, riêng súp lơ xanh có nơi bán 20.000 đồng/cây. Su hào, cần tây, tỏi tây... đều tăng 10-15% so với dịp trước Tết.

Chỉ riêng mặt hàng hải sản giá vẫn khá cao do Tết tiêu thụ nhiều thịt nên đây là món được xem là giải ngán. Giá tôm sú tại chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng) 550.000 đồng/kg, tôm đất loại nhỏ 350.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường khoảng 100.000-120.000 đồng/kg.

Các loại cá được mua khá nhiều nên giá tăng đáng kể như cá chép loại to ngày thường giá 95.000 đồng/kg thì nay giá 120.000- 140.000đồng/kg tùy loại.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm, một số siêu thị thuộc Aeon Mall, Lotte Mart vẫn mở cửa hoạt động từ ngày mùng 1 Tết. Không bỏ lỡ dịp kinh doanh đầu năm, các hệ thống bán lẻ hiện đại triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà cho khách hàng.

Có nơi giảm giá đến 50% cho nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em, giảm 10%-20% cho một số mặt hàng thực phẩm tươi sống. Dù chưa có thống kê chính thức về doanh số dịp Tết nhưng theo các hệ thống bán lẻ, sức mua năm nay tăng tốt hơn năm 2016, đạt hoặc vượt kế hoạch của các đơn vị.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tổng giá trị dự trữ hàng hóa từ trước Tết Nguyên đán cho đến thời điểm sau Tết (12/2) là 1.200 tỷ đồng.

Cùng đó, từ trong Tết Nguyên đán Đinh Dậu cho đến hết ngày 12/2, Hapro tập trung cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng điện máy, đồ gia dụng, thời trang, các sản phẩm ăn uống, giải khát như: giò chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, nước mắm, rượu bia.

Và chính vì nguồn cung được chuẩn bị dồi dào như vậy, nên đến thời điểm này, các sản phẩm được bày bán tại Hapro giá vẫn không sự thay đổi so với trước Tết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục