Giá cả ở Đức sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới

06:10' - 07/10/2022
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các chuyên gia kinh tế cho rằng không chỉ chi phí khí đốt, điện tiếp tục tăng, giá hàng hóa, thậm chí ăn uống nhà hàng cũng sẽ tăng phi mã.

Cùng với lạm phát, giá tiêu dùng ở Đức sẽ tiếp tục tăng trên diện rộng trong nhiều tháng tới. Đây là kết quả cuộc khảo sát hàng tháng của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức, trong đó cho biết tất cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại thực phẩm đều có kế hoạch tăng giá.

Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các chuyên gia kinh tế cho rằng không chỉ chi phí khí đốt, điện tiếp tục tăng, giá hàng hóa, thậm chí ăn uống nhà hàng cũng sẽ tăng phi mã.

Giám đốc Viện Ifo Timo Wollmershäuser nhận định: “Chính vì những yếu tố trên, lạm phát khó có thể hạ nhiệt, đặc biệt là giá năng lượng”.

Trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức hai chữ số trong tháng 9 vừa qua và nhiều hộ gia đình đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt, kết quả khảo sát hàng nghìn công ty về triển vọng hoạt động kinh doanh, cho thấy 100% các nhà bán lẻ thực phẩm và hơn 92% các hiệu thuốc đang lên kế hoạch tăng giá.

 

Đối với các nhà bán lẻ hoa và thực vật, con số này là gần 90%, trong khi lên tới hơn 80%  đối với những người kinh doanh xe đạp hay văn phòng phẩm. Dịch vụ ăn uống, con số này là hơn 87%, và khách sạn là 62%.

Trong các ngành công nghiệp, các công ty cho biết họ đang phải vật lộn với chi phí mua sắm và năng lượng cao, chính vì vậy, người tiêu dùng là đối tượng phải “chia sẻ” gánh nặng tiêu dùng này này.

Một yếu tố khác khiến giá cả tăng có thể là do mức lương tối thiểu tăng kể từ tháng 10/2022. Theo kết quả khảo sát, 58,3% trong số các công ty đang lên kế hoạch tăng giá sản phẩm vì tăng lương tối thiểu.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho thấy, trong tháng 9, chi phí năng lượng tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tăng 18,7%.

So với tháng 8/2022, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2022 tăng 1,9% lên 10%, mức cao nhất trong vòng 70 năm qua. Gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé tháng phương tiện công cộng 9 euro kết thúc vào cuối tháng 8 cũng đã tác động đến tỷ lệ lạm phát trong tháng 9.

Theo các nhà phân tích, năng lượng và thực phẩm vẫn là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lạm phát tăng cao trong những tháng. Cuộc xung đột tại Ukraine, các lệnh trừng phạt liên quan và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm trung gian đã làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng do đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục